Từ ngày 1/7/2025, sáp nhập Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai, diện tích hơn 21.500 km² , dân số khoảng 3,1 triệu người, trung tâm hành chính đặt tại TP Quy Nhơn .
Vùng đất mới mang dáng hình hai mảnh ghép tương phản nhưng hòa quyện: miền biển Bình Định với Kỳ Co - Eo Gió - Trung Lương - Hòn Khô, cùng hải sản Nhơn Lý, bánh hỏi Diêu Trì, bún chả cá Quy Nhơn, bánh ít lá gai... và cao nguyên Gia Lai với Biển Hồ Pleiku, thác Phú Cường, rừng thông Đắk Đoa, lễ hội cồng chiêng cùng đặc sản gà nướng cơm lam , phở khô, cà phê phố núi...
Sự kết hợp giữa biển và cao nguyên mở ra tiềm năng lớn cho du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa và sinh thái, hứa hẹn Gia Lai sẽ trở thành điểm đến nổi bật của miền Trung - Tây Nguyên.
Cùng khám phá những điểm đến tuyệt đẹp, vị ngon đậm đà trong từng món ăn và trải nghiệm những khoảnh khắc khó quên tại mảnh đất vừa mới mẻ nhưng lại rất đỗi quen thuộc này.
Những địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn cho các bạn trẻ (Clip: hanoidailyreview)
Kỳ Co
Cách Quy Nhơn khoảng 25 km, Kỳ Co được ví như 'Maldives thu nhỏ' với nước biển xanh ngọc, cát trắng mịn và những bãi đá kỳ thú xếp chồng lên nhau. Nơi đây ba mặt giáp núi, một mặt hướng biển, tạo nên khung cảnh 'sơn thủy hữu tình'.

Du khách có thể đến bằng cano từ Nhơn Lý, trekking hoặc đi xe máy men theo núi Phương Mai. Ngoài tắm biển, lặn ngắm san hô, Kỳ Co còn hấp dẫn với hoạt động leo núi, khám phá hang động khi thủy triều rút, cạy hàu sữa trên vách đá, bắt ốc, hải sâm...
Thời điểm lý tưởng để đến Kỳ Co là từ tháng 4 đến tháng 9. Với những người ưa khám phá, cắm trại qua đêm tại Kỳ Co sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Đêm nghe tiếng sóng vỗ, sáng ngắm bình minh trên biển để hưởng trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ của nơi này.
Hành trình của mình bắt đầu vào cung biển đẹp nhất Việt Nam rùi - Clip: tungnuitravel
Gợi ý món ngon:
Bánh hỏi lòng heo
Đến với Quy Nhơn, đặc biệt là khu vực ngã ba Phú Tài, du khách sẽ không khó để bắt gặp những quán ăn đông đúc, nơi người dân địa phương và du khách nô nức thưởng thức món "bánh hỏi lòng heo" trứ danh - Tinh túy ẩm thực Bình Định.

Bánh hỏi lòng heo - Tinh túy ẩm thực Bình Định (Ảnh: Internet)
Bánh hỏi là món ăn truyền thống công phu, được làm từ gạo ngon ngâm kỹ, xay nhuyễn, hấp chín rồi nhồi thành khối dẻo mịn. Bột sau đó được ép thành những sợi mảnh đều tăm tắp, đòi hỏi sự khéo léo tựa như một võ sư đang luyện những đường quyền mềm mại mà mạnh mẽ. Bánh hỏi được hấp thêm lần nữa, xếp trên mẹt tre lót lá chuối tươi.

Bánh hỏi ngon nhất là khi ăn cùng lòng heo nóng hổi (Ảnh: Internet)
Sự kết hợp hoàn hảo của lát bánh trắng mịn với lòng heo giòn dai, cháo lòng nóng bốc khói nghi ngút tạo nên một bữa sáng hoàn hảo. Thêm rau sống và nước mắm tỏi ớt đậm đà, món ăn hòa quyện vị béo, bùi, cay, chua, thanh, tạo nên trải nghiệm vị giác khó quên. Ngày nay, bánh hỏi còn được biến tấu với thịt nướng, chả giò, chạo tôm, gà nướng, heo quay, chả lá lốt... nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt truyền thống.

Bánh hỏi biến tấu với chả lá lốt, thịt heo quay, thịt nướng... (Ảnh: Internet)
Quán gợi ý:
- Quán Bà Bảy (gần Ga Diêu Trì): hơn 30 năm, lòng tươi, nước chấm chuẩn. Giá khoảng 30.000 - 40.000 ₫/phần.
- Quán Mẫn (76A Trần Phú): gần 40 năm, bánh hỏi làm thủ công mỗi sáng, mắm nêm 'pha tay'. Giá: 25.000-40.000 VNĐ/phần đầy đủ.
Eo Gió
Được mệnh danh là 'thiên đường gió biển' của Quy Nhơn, Eo Gió cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, làn nước xanh trong và con đường ven biển uốn lượn tuyệt đẹp. Nằm trên bán đảo Phương Mai, Eo Gió là điểm đến lý tưởng từ tháng 3 đến tháng 9, thích hợp để tắm biển, lặn ngắm san hô và chụp ảnh 'sống ảo'.

Ảnh: Internet
Thời gian đẹp nhất để tham quan là sáng sớm hoặc chiều muộn, khi nắng dịu và có thể ngắm bình minh, hoàng hôn. Điểm check-in nổi tiếng nhất là con đường ven biển với lan can đỏ, gợi nhớ đến đường mòn trên đảo Jeju (Hàn Quốc).

Ảnh: Internet
Gần đó là làng chài Nhơn Lý mộc mạc và bình dị, nằm trên một ngọn đồi dốc, địa hình gần giống với Đà Lạt. Bãi Dứa - nơi lý tưởng để tắm biển, lặn ngắm san hô, đi bộ dưới biển, chèo thuyền thúng đáy kính hoặc trải nghiệm mô tô nước. Kết thúc hành trình, du khách có thể thưởng thức hải sản tươi ngon ngay tại làng chài.
Eo Gió - thiên đường miền nhiệt đới - Clip: ngocngien
Gợi ý món ngon:
Bánh xèo tôm nhảy
Món đặc sản độc đáo của Bình Định, nổi bật nhờ nguyên liệu tươi ngon và cách chế biến đặc trưng. Bột bánh xèo được xay từ chính loại gạo của Bình Định và tôm sông, tôm đầm hoặc tôm đất to bằng ngón tay, vỏ mỏng trong suốt, thường sống ở vùng nước lợ đầm Thị Nại - thân tròn, thịt chắc, ít tanh.

Nguyên liệu tươi ngon và cách chế biến đặc trưng (Ảnh: Internet)
Theo người dân nơi đây, chỉ có tôm đất từ đầm sông mới mang đến vị ngọt đặc trưng cũng như độ giòn của bánh xèo. Bánh muốn thơm ngon thì cách pha bột là khâu quan trọng nhất, bột gạo hòa quyện với bột bắp và nước cốt dừa để làm nên độ xốp giòn là bí quyết hòa bột bánh của từng quán.
Đầu tiên, người ta sẽ dùng mỡ chài thoa lên chảo, chờ đến khi nóng già thì thả ngay khoảng chục con tôm vào. Từng con tôm tươi rói nhảy tanh tách trong chảo dầu nóng chính là khởi nguồn của tên gọi 'bánh xèo tôm nhảy' Quy Nhơn. Đây không chỉ là món ngon mà còn là niềm tự hào ẩm thực của người xứ Nẫu.


Clip: baconnhaongthi
Khi tôm chuyển sang màu hồng tươi là thời điểm vàng để đổ bột bánh, thêm giá đỗ, hành lá. Người chế biến có nghề sẽ biết khi nào bánh chín, quan sát mặt dưới giòn, viền hơi co lại, giá tái mềm thì có thể nhấc bánh ra đĩa.
Vỏ bánh xốp mỏng, giòn rụm, vàng đều, nhân tôm hồng tươi, rau vừa chín tới, hành xé không bị nát là đạt yêu cầu. Bánh thường ăn nóng, cuốn kèm rau sống mùa nào thức nấy như rau cải, rau mầm, xoài thái sợi, dưa leo (dưa chuột)… Nước chấm đặc trưng được pha chế từ loại nước mắm thơm ngon cũng do chính người Bình Định làm.


Clip: dtnnhi25
Quán gợi ý:
* Quán Bà Năm Mỹ Cang : Phước Sơn, Tuy Phước; nước mắm có xoài sống bằm
Điện thoại: 0905425556 / Giờ mở cửa: 07h30 - 16h00 / Giá bán: 20.000đ - 40.000đ
* Quán Ông Hùng: 24 Diên Hồng, Quy Nhơn: quán rộng rãi, thực đơn phong phú
Điện thoại: 0902357238 / Giờ mở cửa: 8h00 - 22h00 / Giá bán: 25.000đ - 50.000đ
* Quán bánh xèo rau mầm: 91 Đống Đa, Quy Nhơn: chuyên nhân tôm và nhân bò
Điện thoại: 0392871159 / Giờ mở cửa: 7h00 - 22h00 / Giá bán: 25.000đ - 40.000đ
* Quán Gia Vỹ: 19 Diên Hồng, Quy Nhơn: bánh xèo tôm nhảy, nước chấm đặc trưng
Điện thoại: 02563523838 / Giờ mở cửa: 6h00 - 22h00 / Giá bán: 30.000đ - 40.000đ
Nếu bạn muốn đổi gió từ biển Quy Nhơn sang núi rừng Gia Lai thì sau đây là một vài gợi ý cho chuyến đi trải nghiệm:
1. Phương tiện di chuyển:
Ô tô (ưu tiên): Di chuyển từ Quy Nhơn đến Pleiku (Gia Lai) khoảng 180km, mất tầm 4-5 giờ. Bạn có thể thuê xe tự lái hoặc đi xe khách.
2. Điểm tham quan du lịch ở Gia Lai:
- Chùa Bửu Minh: Ngôi chùa lớn và nổi tiếng của Gia Lai, kiến trúc đẹp, không gian tĩnh lặng, yên bình.
- Thác Phú Cường: Một trong những thác nước đẹp nhất Gia Lai, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
- Hồ T'nưng (Biển Hồ): Hồ nước tự nhiên hình thành từ miệng núi lửa, cách trung tâm Pleiku khoảng 7 km, khung cảnh thơ mộng, thích hợp để chèo thuyền kayak, chụp ảnh hoặc cắm trại.
Đất nước mình còn lạ, cần chi đâu nước ngoài (Clip: gialai_travent)
- Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh: Công viên quốc gia rộng gần 418 km², cách Pleiku khoảng 50 km, đa dạng hệ sinh thái, thác nước, rừng nhiệt đới, lý tưởng cho trekking.
- Đồng Xanh Cultural Village: Cách sân bay Pleiku khoảng 15km, diện tích 14ha, sở hữu nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Tây Nguyên như nhà rông, nhà sàn, nhà dài, kho lúa, cây hóa thạch hàng trăm triệu năm tuổi…
3. Món ăn đặc sản:
- Phở khô: Sợi phở giòn và dai hơn, thêm tóp mỡ, hành phi, thịt băm, nước dùng đậm đà.
- Cơm lam: Cơm được nấu trong ống tre, ăn kèm với thịt nướng hoặc cá suối.
- Gà nướng: Gà được tẩm gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, nướng trên bếp than.
- Gỏi lá: Món ăn đặc sắc với hơn 30 loại lá rừng và các nguyên liệu đặc biệt.
- Rượu cần: Đặc sản không thể thiếu trong các bữa tiệc của người Tây Nguyên.