4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả

Admin
Sau khi nhận ra 4 loại cốc này không nên dùng lâu vì có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe gia đình, tôi đã mạnh dạn vứt hết đi.

Chọn cốc uống nước tưởng đơn giản, nhưng thực tế có không ít loại cốc đang được bán tràn lan trên thị trường lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Đặc biệt là những mẫu cốc xinh xắn, giá rẻ, hot trend... lại càng nên cẩn trọng khi sử dụng. 

Dưới đây là 4 loại cốc được cảnh báo nên tránh dùng lâu dài để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Nếu nhà bạn đang có, thì hãy dứt khoát VỨT NGAY! 

1. Cốc phủ màu ánh kim (thường gọi là cốc băng hay cốc băng hà)

Những chiếc cốc có bề mặt ánh cầu vồng, đổi màu lấp lánh khi gặp ánh sáng đang được nhiều người ưa chuộng nhờ vẻ ngoài bắt mắt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để tạo hiệu ứng ánh kim này, nhà sản xuất thường sử dụng công nghệ mạ màu giá rẻ hoặc trộn thêm phụ gia hóa học không rõ nguồn gốc.

Một số mẫu cốc loại này có thể chứa các kim loại nặng như chì, cadmium hay thậm chí là phẩm màu công nghiệp. Khi đựng nước nóng, lớp mạ màu có thể bong ra hoặc giải phóng chất độc hại, từ đó xâm nhập vào cơ thể người dùng. Theo một số nghiên cứu tại Trung Quốc và châu Âu, nồng độ kim loại nặng trong loại cốc này có thể vượt ngưỡng cho phép nếu dùng lâu dài.

4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 1.
4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 2.

Dấu hiệu nhận biết: Sau một thời gian sử dụng, lớp màu trên bề mặt cốc bị nhạt dần, bong tróc hoặc đổi màu bất thường. Nếu cốc trong nhà bạn có đặc điểm này, tốt nhất nên ngừng sử dụng và thay thế bằng loại an toàn hơn.

2. Cốc sứ trang trí bằng họa tiết vẽ nổi

Cốc sứ là lựa chọn phổ biến trong nhiều gia đình vì vẻ ngoài trang nhã và cảm giác sạch sẽ. Tuy nhiên, không phải cốc sứ nào cũng an toàn. Sự khác biệt nằm ở kỹ thuật in hoặc vẽ họa tiết trên bề mặt: cốc trang trí theo kiểu vẽ nổi hoặc dán họa tiết sau khi nung gốm thường tiềm ẩn rủi ro.

Nếu họa tiết được in hoặc vẽ lên sau khi sản phẩm đã nung (gọi là kỹ thuật men nổi), lớp màu sẽ nằm trên bề mặt và rất dễ bong ra theo thời gian, đặc biệt khi tiếp xúc với nước nóng. Khi đó, các thành phần như chì hoặc kim loại nặng trong màu vẽ có thể bị thôi nhiễm vào nước uống. Ngược lại, cốc men ngầm (men dưới lớp tráng trong suốt) an toàn hơn vì lớp họa tiết được phủ men và nung ở nhiệt độ cao, hạn chế nguy cơ thôi nhiễm hóa chất.

4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 3.
4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 4.

Gợi ý: Khi mua cốc sứ, nên chọn loại có thông tin rõ ràng về xuất xứ, chất liệu và kỹ thuật sản xuất. Tránh dùng các loại cốc có họa tiết nổi, dễ bong tróc hoặc không có chứng nhận an toàn.

3. Cốc nhựa dung tích lớn giá rẻ

Thời tiết nóng bức khiến nhiều người có xu hướng chọn cốc nước loại to, dung tích một lít trở lên để mang theo bên mình. Nhưng hãy coi chừng nếu đó là loại cốc nhựa không rõ nguồn gốc hoặc có giá quá rẻ.

Rất nhiều cốc nhựa dung tích lớn trên thị trường hiện nay được làm từ nhựa polycarbonate (PC). Dù loại nhựa này từng được sử dụng phổ biến, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy PC có thể giải phóng Bisphenol A (BPA) khi gặp nhiệt độ cao. Đây là hợp chất bị nghi ngờ có liên quan đến rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và hệ thần kinh, đặc biệt ở trẻ em. Thậm chí, một số loại cốc nhựa giá rẻ còn bị phát hiện được làm từ nhựa tái chế, vừa không bền vừa dễ thôi nhiễm chất độc ngay cả khi chỉ đựng nước mát.

4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 5.
4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 6.

Lời khuyên: Nếu cần dùng cốc dung tích lớn, hãy chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có ghi rõ nhựa không chứa BPA, chịu nhiệt tốt và có chứng nhận an toàn thực phẩm.

4. Cốc thủy tinh "quá trong"

Thủy tinh vốn là chất liệu được đánh giá là an toàn, sạch và ít phản ứng với nhiệt. Nhưng đừng để vẻ ngoài đánh lừa bạn. Một số loại cốc thủy tinh được quảng cáo là trong suốt, sáng bóng bất thường thực chất có thể đã được pha thêm chì để tăng độ sáng.

Thủy tinh pha chì thường được dùng trong sản phẩm trang trí, không dành cho thực phẩm. Khi tiếp xúc với nước nóng, đặc biệt là nước có tính axit nhẹ như nước chanh hay trà, chì có thể bị hòa tan vào nước uống. Về lâu dài, chì tích tụ trong cơ thể sẽ gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh.

4 loại cốc đẹp mã nhưng độc hại, tôi đau khổ nhận ra nhà mình có tất cả- Ảnh 7.

Dấu hiệu nhận biết: Cốc pha chì thường nặng tay hơn bình thường, có tiếng vang đanh khi gõ nhẹ và độ trong suốt gần như gương soi. Nên tránh dùng những loại cốc này để đựng thức uống, nhất là đồ nóng.

Một số lưu ý khi sử dụng cốc hàng ngày

Ngoài việc chọn chất liệu an toàn, chúng ta cần lưu ý 3 điều sau:

- Không dùng cốc không rõ xuất xứ trong lò vi sóng, đặc biệt là cốc nhựa hoặc cốc sứ có trang trí lòe loẹt.

- Nên thay cốc định kỳ nếu thấy dấu hiệu đổi màu, bong tróc, nứt bề mặt.

- Ưu tiên chọn cốc từ các thương hiệu có chứng nhận an toàn thực phẩm và đạt chuẩn kiểm định.

Tổng hợp