Nghề truyền thống của nhiều gia đình
Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng là một nét đẹp văn hóa được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ của người dân tỉnh Tây Ninh.
Bà Nguyễn Kim Rơi (50 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), thợ làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, cho biết, gia đình bà có truyền thống làm bánh tráng được 4 đời. Công đoạn tráng bánh công phu, thủ công hoàn toàn nên khá mất thời gian nhưng thu nhập lại không cao.
Bà mong muốn địa phương có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để họ tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Nhọc nhằn công đoạn làm bánh tráng
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Lê Thị Ánh Nguyệt (58 tuổi, ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) cho biết, khâu quan trọng nhất để có chiếc bánh tráng chất lượng là lựa chọn loại gạo hảo hạng.
Gạo vo sạch, ngâm kỹ, cứ khoảng 5kg gạo lại cho vào một chén muối và thay nước liên tục suốt 2 ngày rồi mới xay nhuyễn. Để bánh tráng mềm, dẻo dai và vị đậm đà hơn thì người thợ sẽ thêm một ít muối vào lúc pha bột. Đến giai đoạn tráng bánh, người thợ phải thật khéo tay để bánh lan ra thật đều và không bị rách.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được tráng 2 lớp bột khít lên nhau chứ không phải một như những loại bánh thông thường. Khi bánh chín tới, vớt ra một chiếc vỉ tre rồi đem phơi dưới nắng nhẹ trong vòng 30 phút đến 1 tiếng tùy theo thời tiết. Chờ bánh tráng vừa khô và hơi bong lên thì người thợ gỡ ra rồi đem nướng qua lửa.
Bà Lê Thị Ánh Nguyệt cho biết thêm, nếu khâu chọn lựa nguyên liệu và tráng bánh tạo thành vị ngon thì công đoạn nướng cũng như phơi sương là điểm làm nên sự khác biệt của bánh tráng Trảng Bàng.
Lò nướng bánh tráng được làm khá đơn giản, chỉ gồm một cái nồi dày tròn đặt nghiêng. Than dùng để nướng là vỏ đậu phộng để lửa không quá nóng, giúp bánh chín đều hơn. Người thợ nướng bánh một cách tỉ mỉ và nhanh nhẹn, liên tục lật trở qua lại để bánh nở bung đều và phải canh sao cho bánh vừa chín, hai lớp bột không bị bong tróc.
Bánh tráng nướng xong sẽ mang đi phơi sương từ khoảng 9-10h đêm hoặc 2-3h sáng. Khi hơi sương làm bánh vừa đủ độ mềm dẻo thì xếp lại, cho vào túi và cột chặt để tránh không khí lọt vào khiến bánh bị chai cứng.
Điều khó nhất của nghề làm bánh tráng là người thợ phải ngồi hàng giờ bên lò lửa đỏ rực, mỗi ngày đều thức khuya, dậy sớm để lấy đủ sương, giúp bánh đạt chất lượng.
Chính vì lẽ đó, chiếc bánh tráng phơi sương không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là sản phẩm được tạo thành từ sự chăm chỉ, tài hoa của con người đất Tây Ninh.
Hiện nay, chỉ còn vài chục hộ dân gắn bó với nghề làm bánh tráng Trảng Bàng, dù món đặc sản này được ưa chuộng.
Những người thợ chia sẻ, thu nhập từ nghề không cao, và quy trình chế biến thủ công tốn nhiều thời gian, khiến làng nghề gặp khó khăn trong việc duy trì. Trong các hội nghị về phát triển du lịch Tây Ninh, nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp địa phương mong muốn đưa làng nghề này đến gần hơn với mọi người.
Bà Lê Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển.
Món bánh này hiện là thực đơn không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đến Tây Ninh. Trảng Bàng hiện có 25 hộ làm nghề và hơn 10 thương hiệu nổi tiếng, góp phần quảng bá bánh tráng Trảng Bàng ra thế giới.
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016, đại diện cho nét đẹp văn hóa Nam bộ. Dù gặp khó khăn, các thợ làm bánh vẫn nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này và được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu vào năm 2011.