Dấn thân vì loài cây được mệnh danh là "vàng ròng" của tự nhiên
Ở tuổi mà nhiều người tìm kiếm sự an toàn trong sự nghiệp, anh Phạm Tiến Duật (1985) - người đồng sáng lập Công viên Trà hoa vàng Cúc Phương (Ninh Bình) và đại diện Công ty Dược liệu Vũ Gia – lại chọn đi ngược dòng: từ bỏ mức lương cao, rời khỏi nơi làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để về với núi rừng, trồng lại từng gốc trà hoa vàng quý hiếm đang dần mai một.

Người đàn ông bỏ phố về rừng trồng "vàng ròng". Ảnh: YT Người đặc biệt,
"Đầu tư vào nông nghiệp mà lại còn chọn đúng cây đặc hữu, ít người biết tới như trà hoa vàng thì đúng là ‘ném tiền vào rủi ro’", anh Duật nhớ lại. Nhưng với anh, sứ mệnh gìn giữ giống cây quý không chỉ là công việc, mà là trách nhiệm với tương lai tài nguyên bản địa của đất nước.

Trong cái nắng gắt của ngày hè tháng sáu, anh Duật có cuộc gặp đỡ đầy bất ngờ với một loài cây được mệnh danh là "ẩn sĩ" của đại ngàn - trà hoa vàng. Đây là loại dược liệu quý hiếm trên thế giới chỉ có hai quốc gia được thiên nhiên "ưu ái" trao quyền sở hữu là Việt Nam và Trung Quốc.

Nguồn ảnh: Hội thần kinh học Việt Nam.
Kể lại hành trình đặc biệt, anh Duật chia sẻ "cái duyên" của anh bắt đầu từ một chuyến công tác miền núi phía Bắc. Khi đó anh ghé thăm nhà một thầy lang và được mời thưởng thức loại "trà hoa rừng" đặc biệt. Được biết, đây chính là bông hoa cuối cùng còn sót lại. Bởi mùa hoa bình thường chỉ đến tháng ba là kết thúc, ấy vậy mà "năm đó tới tận tháng sáu vẫn còn một bông hoa ở lại, ở lại để ‘đợi người’", anh Duật kể lại.

"Các chuyên gia quốc tế gọi Việt Nam là Paradise of Golden Camellia – Thiên đường của trà hoa vàng," anh Duật chia sẻ. "Nhưng thật trớ trêu, chính mình lại chưa tận dụng được kho báu này."
Trà hoa vàng (Golden Camellia) là loài thực vật chỉ có ở hai quốc gia trên thế giới: Trung Quốc và Việt Nam. Dù vậy, số lượng giống loài ở nước bạn chỉ khoảng dưới 10, trong khi theo các nhà khoa học quốc tế, Việt Nam sở hữu tới hơn 60 loài trà hoa vàng khác nhau, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng để phát triển.
Không giống như Trung Quốc – nơi đã đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm, và thậm chí tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người từ hàng chục năm trước – tại Việt Nam, trà hoa vàng từng bị lãng quên. Nhiều người còn không phân biệt được loài cây này, trong khi tại Trung Quốc thì lại được người dân tìm mua với mức giá cao.

Cây trồng được áp dụng chế độ dinh dưỡng hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc hay phân bón hóa học. Ảnh: Báo Ninh Bình.
Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà giá 1kg trà hoa vàng khô có thể lên tới 15 triệu đồng. Các nghiên cứu cho thấy loài cây này chứa nhiều hoạt chất quý, có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, ngăn ngừa ung thư và hỗ trợ điều hòa huyết áp, tim mạch. Ở Trung Quốc, các chế phẩm từ trà hoa vàng đã được thương mại hóa thành sản phẩm sức khỏe cao cấp.
Tuy nhiên, để có được 1kg hoa khô, phải hái từ hàng ngàn bông hoa tươi trong một thời gian rất ngắn – vì hoa chỉ nở rộ trong vài ngày.
"Bình thường thu hoạch khoảng 2 tấn hoa tươi về gia công mới cho ra khoảng 4 - 5 tạ hoa khô thành phẩm", anh Duật cho biết thêm.

Hiện nay, Công viên Trà hoa vàng Cúc Phương do Công ty Dược liệu Vũ Gia quản lý đã trở thành điểm đến nghiên cứu, bảo tồn và trải nghiệm độc đáo.
Trên diện tích gần 30 ha, anh Duật cùng đội ngũ cộng sự đã thành công trong việc sưu tầm và nhân giống 35 giống trà hoa vàng từ khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hàng trăm nghìn cây trà lớn nhỏ đang phát triển mạnh mẽ tại đây. Đặc biệt, trà hoa vàng Cúc Phương chiếm khoảng 60% tổng số lượng cây trong vườn. Từng gốc cây được cẩn thận ươm trồng, phân loại và bảo tồn. Có những giống cây được đưa từ rừng sâu về, yếu ớt, phải chăm sóc đặc biệt như "bệnh nhân VIP" trong nhà kính.

Công viên trà hoa vàng được xây dựng với nhiều tâm huyết. Ảnh: YT Người đặc biệt
"Đầu tư cho công viên là một khoản rất lớn, không thể đong đếm bằng hiệu quả kinh tế tức thì," anh Duật chia sẻ. "Nguồn lực chủ yếu đến từ việc chúng tôi tiết kiệm từ các lĩnh vực khác để dồn vào đây. Nhưng nếu không làm, không ai chắc được tương lai của giống trà hoa vàng Việt Nam sẽ đi về đâu."
Không chỉ phục hồi và bảo tồn nguồn giống trà hoa vàng quý hiếm, công ty còn khai thác và phát triển các sản phẩm từ hoa và lá trà, mang lại giá trị cao nhờ hàm lượng hoạt chất đặc biệt. Những sản phẩm này cũng góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho cộng đồng địa phương.

Miền Bắc Việt Nam, với khí hậu 4 mùa đặc trưng, chính là điều kiện lý tưởng để phát triển thảm thực vật phong phú, trong đó có các loài dược liệu quý như trà hoa vàng. Theo các chuyên gia, cây thuốc phát triển ở nơi có thời tiết khắc nghiệt sẽ có dược chất mạnh hơn, do chúng phải tự tích lũy dưỡng chất để chống chọi.
"Chính vì thế mà người Trung Quốc có câu ‘Người Việt đi ra đường là giẫm lên cây thuốc’," anh Duật kể lại đầy tự hào. "Nhưng vấn đề là chúng ta có biết để gìn giữ, khai thác và phát triển hay không thôi."
Công viên trà hoa vàng Cúc Phương cũng đang nỗ lực trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Trà Quốc tế, mở ra cơ hội để trà hoa vàng Việt Nam được thế giới công nhận cả về khoa học lẫn giá trị thương mại.
Trong không gian trưng bày của công viên, hàng loạt chứng nhận của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, giải thưởng thương hiệu Việt tiêu biểu… là những minh chứng cho hành trình 10 năm đầy tâm huyết. Những bông trà hoa vàng không chỉ là sản phẩm tự nhiên, mà còn là biểu tượng của lòng kiên trì, của ý chí phục hồi và gìn giữ bản sắc Việt Nam.

Sản phẩm nhận được nhiều chứng nhận chất lượng cao.
Nhìn người đàn ông "lành như đất" cười hiền giữa rừng trà, ít ai nghĩ anh từng là doanh nhân với sự nghiệp thành đạt. Nhưng lựa chọn về rừng với trà hoa vàng, với anh, không phải là đánh đổi – mà là một cách sống đúng với sứ mệnh.
Tiểu Lam