Các startup trẻ đồng lòng quay về Việt Nam chính là 'nước chảy chỗ trũng'

Admin
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng tin rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ thích hợp sẵn sàng đón nhận lực lượng trẻ từ nước ngoài trở về khởi nghiệp, phát triển kinh tế đất nước.

Chính sách và môi trường đầu tư là "chìa khóa" để đột phá cho startup.

Năm 2024 ghi nhận một lượng lớn người trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Trong vai trò là người kết nối, đồng thời cũng là nhà đầu tư cho các startup, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC, đã có những nhận định về xu hướng đặc biệt này và đưa ra những đánh giá quy mô phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian tới.

- Năm 2024, bà nhận định xu hướng khởi nghiệp ở Việt Nam có thay đổi gì, đặc biệt sau khi COVID-19 kết thúc?

Nhiều người nghĩ rằng sau COVID-19, kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Nhưng từ góc nhìn của tôi, điều đó lại khác. Các ngành nghề truyền thống có thể khó khăn, nhưng khởi nghiệp lại phát triển hơn. Một phần vì sự sa thải hàng loạt ở các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đã khiến nhiều bạn trẻ nghỉ việc và bắt đầu làm gì đó cho riêng mình.

Những bạn này thường đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế và giờ mang những trải nghiệm đó về Việt Nam để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều người Việt làm việc ở các công ty lớn như Google, Microsoft cũng chọn quay về, vì dù đi đâu thì cuối cùng họ vẫn muốn trở về quê hương. Việt Nam hiện đang ở thời điểm phù hợp để đón nhận làn sóng này.

Ở những nước phát triển, các tập đoàn lớn đã giải quyết gần như hết các vấn đề lớn của xã hội, nên không gian cho khởi nghiệp bị thu hẹp. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường đang phát triển, là cơ hội cho những người muốn khởi nghiệp.

Những người quay về thường đã có một chút vốn, mối quan hệ và kinh nghiệm. Họ nhìn thấy rõ các vấn đề trong nước và bắt đầu tìm cách giải quyết. Hơn nữa, Việt Nam hiện nay khá cởi mở, với nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công, điều đó tạo thêm động lực cho họ. Khi cơ hội ở nước ngoài không còn hấp dẫn, việc quay về lại trở thành một lựa chọn hợp lý. Và việc các startup trẻ đồng lòng quay về Việt Nam chính là 'nước chảy chỗ trũng' - nơi đang sẵn sàng đón nhận nguồn lực lớn các bạn trẻ startup.

- Bà có nghĩ Việt Nam đang trong giai đoạn giống Trung Quốc hay Hàn Quốc trước đây, khi họ đưa người ra nước ngoài học tập rồi đón làn sóng quay về để phát triển kinh tế?

Đúng là có sự tương đồng, nhưng tôi nghĩ Việt Nam vẫn chưa thực sự có một chiến lược rõ ràng như Hàn Quốc hay Trung Quốc. Họ chủ động đầu tư vào việc gửi người trẻ ra nước ngoài học tập như một phần của kế hoạch phát triển dài hạn.

Các startup trẻ đồng lòng quay về Việt Nam chính là 'nước chảy chỗ trũng'- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC.

Tôi hy vọng trong 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để đón nhận làn sóng trở về này. Chúng ta cần những người có khả năng "lái" nền kinh tế với tốc độ cao hơn trong kỷ nguyên mới. Muốn vậy, họ phải được trang bị kỹ năng và tư duy từ các nước phát triển. Khi quay về, họ sẽ tạo ra làn sóng thay đổi, giống như những gì Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm.

Tôi tin rằng yếu tố con người – từ kỹ năng đến tư duy – sẽ quyết định rất nhiều đến tương lai của nền kinh tế.

Trước đây, Việt Nam cũng có những chương trình đưa người đi học tập nước ngoài, như ở TP.HCM từng có chương trình cử 300 tiến sĩ, thạc sĩ ra nước ngoài rồi quay về làm việc trong cơ quan nhà nước. Nhưng nếu xét ở quy mô lớn hơn, kiểu như Hàn Quốc từng thực hiện – đưa nhân lực đi đào tạo ở những ngành mũi nhọn – thì chúng ta chưa đủ nguồn lực để làm điều đó.

Việc nhiều bạn trẻ quay về hiện nay mang tính tự phát. Họ tự quyết định trở về khi thấy đây là thời điểm phù hợp. Nhưng điểm đáng chú ý là lần đầu tiên tôi thấy chính phủ đặt ra mục tiêu rõ ràng và tham vọng cho một giai đoạn tăng trưởng mới.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy Chính phủ đặt ra mục tiêu rất quyết liệt cho tốc độ tăng trưởng, cho một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng: "Phải có một giấc mơ lớn". Trong hành trình thực hiện giấc mơ lớn, ta sẽ đạt được những giấc mơ nhỏ. Nhưng nếu ngay từ đầu, giấc mơ và mục tiêu đã nhỏ, hoặc không có mục tiêu, thì rất khó để làm điều gì đó lớn lao.

Lần này, tham vọng của Chính phủ đã được thể hiện rất rõ. Có tham vọng thì mới thu hút được nguồn lực, mới thúc đẩy các kế hoạch lớn. Chúng tôi cảm nhận đây là một khúc quanh, một bước ngoặt. Giống như trên đường đua, khúc cua chính là nơi mọi người tăng tốc. Việt Nam đang ở khúc cua quan trọng, và câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể bứt tốc, vươn lên dẫn đầu, và tạo ra sự đột phá hay không? Thành bại phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn này.

- Bà nhận định động lực lớn nhất để bứt phá ở giai đoạn này đến từ đâu?

Đầu tiên là Chính phủ đã có những chủ trương rõ ràng, từ khung pháp lý, chính sách đến việc chi tiêu công, vì điều này ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Khi Chính phủ thể hiện tham vọng rõ ràng, các nguồn lực xã hội sẽ đi theo.

Các startup trẻ đồng lòng quay về Việt Nam chính là 'nước chảy chỗ trũng'- Ảnh 2.

"'Đường đua' cần được làm phẳng, cần bớt đi những khúc cua gấp hay trở ngại không đáng có".

Thực tế, Việt Nam vẫn đang nỗ lực rất lớn để cải thiện chính sách và môi trường đầu tư. Tuy nhiên, nếu so sánh, "đường đua" ở Việt Nam chưa đủ bằng phẳng như tại Singapore hay một số quốc gia khác. Chúng ta vẫn có nhiều rào cản, những đoạn gồ ghề khiến doanh nghiệp phải giảm tốc. Điều này làm cho các startup gặp khó khăn khi muốn tiến xa hoặc lựa chọn dịch chuyển nguồn lực sang nơi khác, nơi mà môi trường thuận lợi hơn để phát triển sản phẩm và thích nghi với thị trường quốc tế.

Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở chính sách và môi trường đầu tư. Nếu chúng ta có thể cải thiện rào cản này, tạo ra một hành lang thông thoáng và thuận lợi hơn, thì các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng tốc. “Đường đua” cần được làm phẳng, cần bớt đi những khúc cua gấp hay trở ngại không đáng có.

Khi doanh nghiệp cảm thấy có môi trường để phát triển bền vững tại Việt Nam, họ sẽ không chỉ ở lại mà còn có thể thu hút thêm nguồn lực quốc tế. Có thể mong những chuyển động mạnh mẽ sắp tới về cải cách thể chế và chính sách sẽ sớm mang lại kết quả. Một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và hỗ trợ sẽ là đòn bẩy rất lớn để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể bứt tốc, tạo ra đột phá cho nền kinh tế.

- Là một nhà đầu tư, bà có thể chia sẻ tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn đầu tư và hỗ trợ các startup là gì?

Với tôi, khi đầu tư vào một startup, tiêu chí đầu tiên luôn xoay quanh yếu tố con người. Tôi không tự nhận là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng tôi thường tham gia với vai trò mentor trước. Nếu cảm thấy các bạn sáng lập dễ mến, có sản phẩm tốt nhưng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, tôi sẵn sàng đầu tư. Đơn giản vì tôi trân trọng giá trị mà các bạn tạo ra và những nỗ lực của họ.

Thành bại của một dự án phụ thuộc rất nhiều vào con người. Có những sản phẩm thất bại, nhưng nếu các bạn sáng lập đủ kiên định và không ngừng cố gắng, thì thất bại đó chỉ là thử thách trên hành trình dài. Ngược lại, nếu con người không đủ tốt hoặc không công bằng trong kinh doanh, họ có thể vì lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm với nhà đầu tư. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đóng công ty rồi chuyển hướng sang làm nơi khác, khiến mọi cố gắng trước đó trở thành vô nghĩa.

Yếu tố sản phẩm và quy mô thị trường cũng quan trọng, nhưng với tôi, chúng chỉ xếp sau con người. Đầu tư vào con người có phần “lãng mạn”, nhưng đó là cách tôi hướng tới sự đồng hành lâu dài chứ không phải chỉ để exit (thoái vốn) nhanh chóng. Tôi muốn đồng hành với startup đủ lâu, giúp họ phát triển ổn định và xây dựng giá trị bền vững.

Tôi nghĩ mối quan hệ giữa nhà đầu tư và startup phải đủ thân thiết và cởi mở. Khi các bạn đạt được thành tựu, họ sẵn sàng chia sẻ niềm vui với mình, không phải vì nghĩa vụ hay lợi ích tài chính. Còn khi gặp khó khăn, họ có thể tìm đến mình để tìm giải pháp, thay vì lẩn tránh. Đó là kiểu đồng hành tôi hướng tới.

Mỗi nhà đầu tư có một định hướng riêng, và tôi luôn lựa chọn những dự án phù hợp với tầm nhìn và nguyên tắc của mình. Điều quan trọng nhất là cả hai bên phải đồng cảm và cùng chia sẻ một mục tiêu phát triển bền vững.

- Bà có thể chia sẻ thêm về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh trong nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ?

Trước đây, các doanh nghiệp nhỏ chỉ tập trung vào việc tồn tại, sản xuất được sản phẩm và bán được hàng đã là một thành tựu lớn. Những khái niệm như phát triển bền vững hay chuyển đổi xanh dường như là câu chuyện của các tập đoàn lớn hoặc chính phủ. Tuy nhiên, trong 3-5 năm trở lại đây, tôi nhận thấy làn sóng này đã dần xâm nhập vào mọi tầng lớp doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và startup, chuyển đổi xanh và bền vững là điều cần thiết, nhưng cũng đòi hỏi sự đầu tư lớn. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích họ tiến từng bước một, lựa chọn giải pháp phù hợp với năng lực và mục tiêu phát triển của mình. Quan trọng là làm sao để sự chuyển đổi này thật sự mang lại giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp, thay vì chỉ để “khoe” hay chạy theo xu hướng. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đầu tư quá mức vào những thay đổi không phù hợp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong dài hạn.

Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, vấn đề lớn nhất chính là dòng tiền. Nếu chưa có doanh thu ổn định mà đầu tư quá mức vào các giải pháp xanh, các bạn sẽ tự đặt mình vào tình thế khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn những giải pháp phù hợp với quy mô và khả năng của mình. Hãy cân nhắc kỹ xem “xanh” đến mức nào là hợp lý, không nhất thiết phải chạy theo xu hướng một cách thiếu cân nhắc.

Giống như việc chọn một chiếc áo, nó phải vừa vặn với cơ địa và năng lực của doanh nghiệp. Tôi luôn khuyên các bạn nên đi từng bước, tập trung vào những giải pháp vừa tầm, mang lại giá trị thực sự và khả thi về tài chính, thay vì cố gắng đạt được những mục tiêu quá sức, khiến doanh nghiệp tự "giết mình".

Về vấn đề hệ sinh thái phát triển xanh, tôi nhận thấy hiện tại TP.HCM có nhiều lợi thế hơn so với các địa phương khác. Đây là nơi tập trung đầy đủ các nguồn lực cần thiết – từ startup, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, đến các chương trình hỗ trợ từ chính quyền và các trường đại học. Điều đó giúp thành phố trở thành điểm xuất phát lý tưởng để lan tỏa các mô hình phát triển xanh.

Tôi luôn nghĩ rằng bất cứ sự chuyển đổi nào, kể cả xanh hay số hóa, không thể thực hiện đơn lẻ. Một doanh nghiệp không thể tự mình "xanh" nếu thiếu sự hỗ trợ và kết nối từ cộng đồng. TP.HCM là môi trường lý tưởng để các doanh nghiệp cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm.

- Vậy để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, điều kiện tiên quyết là gì?

Đầu tiên, doanh nghiệp phải có khát khao và được trang bị những "vũ khí" phù hợp. Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần biết rõ đối thủ mạnh ở điểm nào và làm thế nào để khai thác điểm mạnh riêng của mình.

Ngoài ra, Chính phủ có thể đóng vai trò hỗ trợ chiến lược, như tạo điều kiện về tài chính, chính sách thuế, và thậm chí tham gia tài trợ cho việc "tấn công" chiếm lĩnh một số thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp lớn có thể dẫn dắt và kéo theo các doanh nghiệp nhỏ hơn, tạo ra sức mạnh cộng hưởng.

Cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu mà Việt Nam thực sự có thế mạnh. Chúng ta không thể đánh vào tất cả các ngành. Sự ưu tiên là cần thiết, và điều này đòi hỏi sự hy sinh từ các ngành khác.

Ví dụ, nếu nguồn lực kinh tế có hạn, Chính phủ sẽ phải quyết định đầu tư lớn vào một số ngành ưu tiên, trong khi các ngành khác sẽ nhận ít hỗ trợ hơn. Nhưng nếu nhìn tổng thể, đây là cách để đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sánh ngang với các quốc gia trong khu vực.

Cuối cùng, muốn đi xa, phải đi cùng nhau. Chỉ khi có sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp và Chính phủ, chúng ta mới có thể tiến xa trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

- Trong bối cảnh hiện nay, bà có thể chia sẻ suy nghĩ về khái niệm "doanh nghiệp dân tộc"?

Đây là câu hỏi rất hay. Cá nhân tôi chưa nghe nhiều về khái niệm này, nhưng nếu muốn xây dựng một quốc gia phát triển bền vững, từng doanh nghiệp phải mang yếu tố dân tộc, tức là phải có màu cờ sắc áo, phải hiểu rõ mục tiêu cuối cùng là gì.

Đối với tôi, mục tiêu lớn nhất là tạo ra thế hệ doanh nhân kế tiếp. Họ không chỉ kiếm tiền để làm giàu cho bản thân mà còn phải đo lường được tác động tích cực mà họ tạo ra: thay đổi cuộc sống của bao nhiêu người, tạo việc làm và cơ hội học tập cho cộng đồng. Một doanh nghiệp dân tộc, theo tôi, là doanh nghiệp có khả năng thay đổi cuộc sống của cả một dân tộc và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Bà nghĩ thế nào về yếu tố bản sắc, đại diện dân tộc trong doanh nghiệp khi bước ra quốc tế?

Khi đại diện Việt Nam trên thị trường quốc tế, mỗi doanh nghiệp cần hiểu rằng họ không chỉ đại diện cho hình ảnh của mình mà còn cho cả quốc gia. Có những lúc, vì uy tín của Việt Nam, chúng ta phải hy sinh những lợi ích trước mắt. Điều này tạo thuận lợi cho thế hệ doanh nghiệp kế tiếp, giúp nâng cao thương hiệu quốc gia.

Các startup trẻ đồng lòng quay về Việt Nam chính là 'nước chảy chỗ trũng'- Ảnh 3.

Điều quan trọng là định hình được bản sắc dân tộc. Chúng ta cần xác định khi thế giới nói về doanh nghiệp Việt Nam, họ sẽ nghĩ đến điều gì: uy tín, sự chân thành, hiệu quả? Nếu nhìn sang Nhật Bản, chúng ta thấy họ đại diện cho sự kiên trì, logic; Hàn Quốc là sáng tạo, nghệ thuật; Israel là đổi mới.

Việt Nam cần một bản sắc rõ ràng như vậy để khi nhắc đến doanh nghiệp Việt, người ta nghĩ ngay đến những giá trị cốt lõi tích cực.

Để định hình giá trị cốt lõi, chúng ta cần tập trung xây dựng một “gene” chung cho doanh nghiệp Việt. Gene đó nên đại diện cho những gì đặc trưng nhất của văn hóa và năng lực dân tộc.

Trong vòng 5, 10, hay 20 năm nữa, nếu khi nhắc đến Việt Nam, thế giới có thể nhận diện ngay 80% doanh nghiệp Việt đều mang những giá trị chung, một gene chung, thì chúng ta đã thành công trong việc xây dựng doanh nghiệp dân tộc.

Để định nghĩa và xây dựng doanh nghiệp dân tộc trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, và cả cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một hành trình dài, nhưng nếu đồng lòng, tôi tin Việt Nam sẽ đạt được điều đó.

Người Việt Nam vốn nổi tiếng với sự kiên cường, cần cù và dũng cảm, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh. Thế giới nhìn nhận chúng ta là những con người thông minh, bền bỉ, nhưng đó là câu chuyện của lịch sử. Bây giờ, trong giai đoạn phát triển kinh tế, chúng ta cần chuyển hóa những tố chất đó thành lợi thế trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, và giáo dục.

Chúng ta cần tận dụng sự thông minh và kiên trì để định hướng một cách sáng tạo hơn, tập trung vào việc xây dựng nền tảng kinh tế bền vững, chứ không chỉ dựa vào những giá trị truyền thống từ trước đến nay.