Cất cánh cùng sân bay Long Thành

Admin
Nếu không có gì thay đổi, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác nửa đầu năm 2026 theo yêu cầu rút ngắn tiến độ hơn 6 tháng của Thủ tướng Chính phủ.
Cất cánh cùng sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong chuyến công tác kiểm tra công trường xây dựng sân bay Long Thành và 2 tuyến đường kết nối sân bay, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Đồng Nai trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chậm nhất tới 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành. Khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong. Ông cũng bày tỏ niềm phấn khởi vì đến nay công trình đã có hình hài rõ nét. "Tuy nhiên, các chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan cần quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026”, Thủ tướng chỉ đạo.

Tăng tốc, hẹn ngày về đích sớm

Để đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai công trình trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, phân công công việc phải rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ thẩm quyền và dứt khoát hoàn thành trong năm 2025 đối với dự án thành phần 1 (trụ sở các cơ quan, đơn vị). Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ) chỉ đạo khẩn trương thi công các hạng mục, thi công "3 ca, 4 kíp", "xuyên ngày lễ, ngày nghỉ"; "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió" đối với các công việc của nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu). Sau khi hoàn thành lợp mái, tích cực triển khai các gói thầu để cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Theo Ban Quản lý Dự án sân bay Long Thành, nhà ga hành khách - “trái tim” của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là hạng mục quan trọng nhất. Hiện nhà ga đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép phần ngầm và các tầng, đang lắp đặt kết cấu thép, mặt dựng vách kính, thiết bị.

Một hạng mục quan trọng của Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đó là đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành thuộc gói thầu 4.6, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay (ga hàng hóa, hangar, cách ly) sẽ được rút ngắn tiến độ thi công, hoàn thành vào cuối tháng 4 này.

Trung tá Lê Văn Tiến, Chỉ huy trưởng liên danh nhà thầu gói thầu 4.6 (Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC) cho biết, việc lắp đặt hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác cho đường băng số 1 sân bay Long Thành đã cơ bản hoàn thành. Liên danh nhà thầu đang thi công đấu nối điện cho hệ thống đèn tín hiệu đảm bảo kế hoạch đưa vào khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.

Dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 1, dự án có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cơ hội và triển vọng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, với vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm kinh tế hàng không, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics và các dịch vụ hỗ trợ hàng không.

Trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm, là động lực phát triển kinh tế, là mũi nhọn đột phá, góp phần chuyển đổi kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dần từ phụ thuộc vào ngành công nghiệp sang thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng Nai tập trung phát huy lợi thế là vùng phụ cận của sân bay Long Thành nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai cũng như cả vùng Đông Nam bộ.

Phát huy lợi thế này, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang định hướng phát triển và triển khai hàng loạt các dự án quan trọng như tích hợp với các tuyến đường cao tốc quan trọng gồm Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải; quy hoạch xây dựng thành phố sân bay. Đẩy nhanh tiến độ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đảm bảo 3 dự án KCN gần sân bay Long Thành khởi công vào quý IV/2025 và khánh thành vào quý IV/2026. Nghiên cứu xây dựng đề án khu thương mại tự do gắn với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Phước An để phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng phát triển của tỉnh và cả vùng.

Dự án sân bay Long Thành cũng mở ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người dân Đồng Nai, trong đó ưu tiên cho người dân khu vực thu hồi đất làm sân bay. Khi sân bay đi vào hoạt động cần tới 13,7 ngàn lao động. Ông Nguyễn Khánh Cường , Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) cho biết, đến nay nhà trường đã hợp tác đào tạo nhân lực ngành hàng không với ACV, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Học viện Hàng không Vietjet Air (VJAA). Từ những hợp tác với các doanh nghiệp hàng không lớn này, nhà trường đã có những đơn hàng đào tạo cụ thể ở các phần việc như bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; điều độ, khai thác bay, phục vụ chuyến bay.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm CLB Luật sư Pháp chế doanh nghiệp ( Đoàn Luật sư Đồng Nai ), Giám đốc Công ty TNHH Nai House cho rằng, sân bay Long Thành hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp tại Đồng Nai và vùng phụ cận giảm chi phí vận chuyển nội địa cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Thời gian giao nhận hàng hóa sản phẩm nhanh hơn, giảm thiểu chi phí tồn kho. Tạo lợi thế cạnh tranh về địa điểm nhà máy sản xuất ngay tại Đồng Nai so với các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Đồng thời thu hút nhiều nhân tài, lao động có trình độ cao làm việc tại Đồng Nai; tạo cơ hội việc làm người dân, phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hàng chục ngàn lao động làm việc tại sân bay Long Thành.