Chấp nhận thuê nhà thầu nước ngoài nhưng phải xây lại sau 3 năm, Việt Nam quyết tự chủ công nghệ, tạo sự thay đổi chưa từng có

Admin
Đến hết năm 2025, Việt Nam nỗ lực có 100% các tuyến đường cao tốc được quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS).
Chấp nhận thuê nhà thầu nước ngoài nhưng phải xây lại sau 3 năm, Việt Nam quyết tự chủ công nghệ, tạo sự thay đổi chưa từng có- Ảnh 1.

Việt Nam đã ứng dụng công nghệ giao thông thông minh (ITS) từ hơn 10 năm trước. Một trong những công trình tiêu biểu là tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuyến đường này áp dụng nhiều giải pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật mới, chưa từng được triển khai ở các dự án trước đó.

Đáng chú ý, hệ thống ITS được lắp đặt trên tuyến cao tốc có tổng vốn đầu tư lên tới 38,5 triệu USD (tương đương khoảng 804 tỷ đồng). ITS là hệ thống sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến như cảm biến, điện tử, tin học và viễn thông để quản lý và điều hành giao thông. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) vào hạ tầng giao thông và phương tiện đã giúp nhiều quốc gia nâng cao hiệu quả vận hành, giảm tai nạn và hạn chế tác động môi trường.

Trung tâm điều hành ITS có vai trò quản lý toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và được thiết kế để kết nối, tương thích với các hệ thống ITS quốc gia.

Tại trung tâm, hệ thống bao gồm máy chủ, mạng điều hành và thiết bị điều khiển giao thông, cùng 48 màn hình giám sát, thiết bị xử lý và truyền tín hiệu. Dọc theo 40 km chiều dài cao tốc, 38 camera giao thông cũng được lắp đặt để thực hiện các chức năng như theo dõi tình trạng lưu thông (CCTV), nhận dạng phương tiện (VDS) và giám sát, điều khiển làn xe (LCS), đảm bảo thông tin luôn được cập nhật và điều phối chính xác theo thời gian thực.

Vào thời điểm năm 2015, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nên hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm hoạt động, đến năm 2018, nhiều thiết bị trong hệ thống đã bị hư hỏng, tê liệt do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nguồn điện không ổn định.

Thời điểm đó, hệ thống đã hết hạn bảo hành, việc mời chuyên gia Hàn Quốc sang sửa chữa trở nên tốn kém và mất nhiều thời gian, trong khi việc tìm kiếm, thay thế linh kiện chính hãng cũng gặp không ít khó khăn. Điều này khiến Việt Nam quyết tự sửa chữa và xây lại hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này.

Đáng chú ý, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quá trình khôi phục hệ thống, sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài mà chuyển sang sử dụng giải pháp do các doanh nghiệp trong nước cung cấp. Trung tâm quản lý điều hành ITS, được ví như “bộ não” của tuyến đường, sẽ tiếp tục đóng vai trò giám sát và điều phối toàn bộ hoạt động giao thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Hệ thống ITS có chức năng thu thập và xử lý dữ liệu, cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị quản lý, bảo trì và giám sát tuyến đường. Đồng thời, hệ thống còn phát cảnh báo cho tài xế thông qua các bảng điện tử dọc tuyến. Với mạng lưới camera giám sát toàn tuyến, ITS cũng hỗ trợ theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông, ghi nhận các hành vi vi phạm làm căn cứ cho việc xử phạt nguội.

Đến năm 2020, việc khôi phục và sửa chữa hệ thống ITS được đẩy nhanh tiến độ, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ quá trình sửa chữa đều sử dụng công nghệ do Việt Nam phát triển.

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đang lên kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm Quản lý ITS quốc gia, đặt tại trụ sở của Cục. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là "bộ não" của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, với chức năng quản lý, giám sát toàn bộ hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cả nước. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ nguồn vốn đầu tư công.

Trung tâm sẽ được kết nối đồng bộ với tất cả các hệ thống ITS trên toàn quốc, đồng thời liên kết chặt chẽ với các trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ Công an. Điều này nhằm tăng cường khả năng phân tích dữ liệu, điều hành liên tuyến và phản ứng nhanh trước các tình huống phát sinh.

Với vai trò là nơi giải quyết các bài toán giao thông ở tầm quốc gia, trung tâm sẽ ứng dụng và liên tục cập nhật các công nghệ hiện đại nhất như xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh việc nhập khẩu một số trang thiết bị cần thiết, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ và phần mềm trong nước, nhằm tăng tính chủ động trong việc tùy chỉnh, nâng cấp và bảo trì hệ thống khi cần thiết.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định giao thông là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số với định hướng phát triển hệ thống ITS, tập trung vào giao thông đô thị, đường cao tốc, quốc lộ.

Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ. Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường cao tốc được quản lý, điều hành giao thông ITS.