"Chọn chất lượng hay số lượng?" - NTK Thái Công đưa ra câu trả lời trên 3 góc độ kinh tế - văn hoá - mối quan hệ, khẳng định không có chuyện "ngon, bổ, rẻ"

Admin
NTK Thái Công cho rằng, việc chọn chất lượng thay vì số lượng không phải là sự từ chối phát triển, mà là cách để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và bền vững hơn.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, NTK Thái Công chia sẻ một bài viết về chủ đề: Chọn chất lượng hay số lượng trong bối cảnh xã hội hiện đại - Nơi số lượng thường được xem như thước đo của thành công.

Cụ thể, NTK nổi tiếng đã phân tích trên 3 góc độ gồm: Kinh tế, văn hoá, mối quan hệ như sau: 

"Trong lĩnh vực kinh tế, việc đặt nặng số lượng thường dẫn đến các hình thức sản xuất hàng loạt. Điều này không chỉ làm giảm giá trị thực của sản phẩm mà còn kéo theo những vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Các doanh nghiệp chạy theo số lượng thường bóc lột nhân sự, từ việc trả lương không xứng đáng cho người lao động đến sử dụng lao động trẻ em. Thậm chí, nhiều công việc trong ngành công nghiệp còn gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động, như tiếp xúc với hóa chất độc hại hay làm việc trong môi trường nguy hiểm mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp. Đây là cái giá quá đắt mà xã hội phải trả khi chỉ chạy theo giá rẻ.

Về văn hóa, việc tập trung vào số lượng dễ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, nơi mọi giá trị đều được đo lường bằng tiền bạc và tốc độ sản xuất. Điều này làm mất đi bản sắc và chiều sâu vốn có của văn hóa. Cũng như khi phim ảnh được sản xuất thật nhanh và nhiều để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng của thị trường, chúng thường thiếu đi sự sáng tạo và giá trị nghệ thuật.

Trong các mối quan hệ, việc đặt nặng số lượng, như có nhiều bạn bè hay nhiều mối quan hệ xã hội, chỉ tạo ra sự kết nối bề nổi, thiếu chiều sâu. Một mối quan hệ chất lượng, dù ít về số lượng, sẽ mang lại sự gắn kết, thấu hiểu và hỗ trợ thực sự". 

"Chọn chất lượng hay số lượng?" - NTK Thái Công đưa ra câu trả lời trên 3 góc độ kinh tế - văn hoá - mối quan hệ, khẳng định không có chuyện "ngon, bổ, rẻ"- Ảnh 1.

NTK Thái Công

NTK Thái Công cho rằng, việc chọn chất lượng thay vì số lượng không phải là sự từ chối phát triển, mà là cách để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và bền vững hơn. Chất lượng không chỉ phản ánh giá trị thật sự của những gì chúng ta tạo ra, mà còn bảo vệ quyền lợi của con người, môi trường sống, và tương lai của thế hệ sau.

Không đi kèm với một cái giá tương xứng

Bàn về vấn đề chất lượng, trong một bài đăng khác, NTK nổi tiếng bày tỏ, mỗi thứ trên đời đều có cái giá của nó. Đây là chân lý không thể phủ nhận. Chất lượng, giá trị và sự tận tâm trong bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào đều đi đôi với cái giá tương xứng. Chỉ những người thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức và trải nghiệm mới tin rằng “ngon, bổ, rẻ” là có thật.

Người có kinh nghiệm hiểu rằng, để tạo ra một sản phẩm tốt, cần có sự đầu tư không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian, công sức và tâm huyết. Một món ăn không chỉ ngon và bổ mà còn không làm hại cho sức khỏe, thì không thể làm từ nguyên liệu thiếu chất lượng. Một sản phẩm chất lượng không thể sản xuất đại trà mà thiếu đi sự kiểm soát và tinh tế trong từng công đoạn. Thậm chí, những trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời luôn được xây dựng từ sự tận tâm và kỹ năng của những con người đứng sau nó.

"Chọn chất lượng hay số lượng?" - NTK Thái Công đưa ra câu trả lời trên 3 góc độ kinh tế - văn hoá - mối quan hệ, khẳng định không có chuyện "ngon, bổ, rẻ"- Ảnh 2.

Ông chia sẻ: "Trong tiếng Đức có câu: 'Ich bin zu arm, um billige Sachen zu kaufen'. Câu này dịch ra tiếng Việt là: 'Tôi quá nghèo để mua những thứ rẻ tiền'. Ý nghĩa của câu nói này nhấn mạnh rằng những thứ rẻ tiền thường không bền, dẫn đến việc bạn phải mua đi mua lại nhiều lần, khiến chi phí tổng cộng cao hơn so với việc đầu tư vào một sản phẩm chất lượng ngay từ đầu.

Trong cuộc sống, 'rẻ' không bao giờ đi cùng với 'bền'. Một sản phẩm hay dịch vụ giá thấp thường đi kèm với việc cắt giảm chi phí ở đâu đó, và người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người chịu thiệt thòi. Ngược lại, những người từng trải nghiệm và hiểu biết sẽ luôn ưu tiên giá trị lâu dài thay vì cái lợi nhỏ tức thời".

NTK Thái Công nhấn mạnh, quan niệm “ngon, bổ, rẻ” thường chỉ là ảo tưởng, tồn tại để đáp ứng tâm lý thích tiết kiệm của số đông. Nhưng khi nhận thức phát triển, người ta sẽ nhận ra rằng giá trị thật không chỉ nằm ở con số trên hóa đơn mà còn ở sự hài lòng, bền bỉ và niềm tin mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại.

Ông khuyên mọi người nếu đang tìm kiếm chất lượng thật sự, đừng để những lời hứa hẹn “ngon, bổ, rẻ” làm lung lay. Hãy đầu tư xứng đáng vào những thứ đáng giá, bởi trên đời, không có điều gì tốt đẹp mà không đi kèm với một cái giá tương xứng.

Nguồn: Facebook Thái Công