Chốt phương án triển khai dự án cao tốc 25.500 tỷ đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành của liên danh Vingroup - Techcombank, giúp tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng

Admin
Với phương án triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành vừa lựa chọn sẽ giúp chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng thấp hơn phương án tiền khả thi hơn 1.000 tỷ đồng.

Mới đây, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông đã phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc lựa chọn phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông về một số nội dung liên quan tới dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông thống nhất chọn phương án 2 theo đề xuất .

Cụ thể, thiết kế tim tuyến của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ dịch chuyển về hướng Tây so với phương án tiền khả thi gần 8km. Điểm đầu tuyến dự kiến giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) tại Km1923+750 (thuộc địa phận xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Hướng tuyến này phù hợp với quy hoạch cao tốc Bắc - Nam phía Tây, có địa hình thuận lợi, không ảnh hưởng đến các công trình tổ hợp dự án Alumin Nhân Cơ và giúp tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng so với phương án tiền khả thi. Tuy nhiên, hướng tuyến sẽ đi qua khu vực mỏ bauxite Nhân Cơ nên cần xin phép điều chỉnh khai thác và đánh giá tác động môi trường.

Thêm nữa, khoảng cách từ điểm giao của cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành với đường Hồ Chí Minh về thành phố Gia Nghĩa sẽ là hơn 20km, tăng hơn 8km so với phương án tiền khả thi.

Chốt phương án triển khai dự án cao tốc 25.500 tỷ đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành của liên danh Vingroup - Techcombank, giúp tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6/2024.

Tuyến cao tốc có tổng chiều dài 128,8km với mức đầu tư sơ bộ 25.540 tỷ đồng. Nhà đầu tư thực hiện là liên danh Vingroup -Techcombank gồm Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – TCB).

Dự kiến, dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Liên danh này hiện đang hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến dự án thành phần 1 của cao tốc.

Trước đó, cuối tháng 10/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã ký thỏa thuận hợp tác với liên danh Vingroup -Techcombank về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án theo phương thức đối tác công tư.

Trong quá trình lập phương án thiết kế cơ sở cho đoạn tuyến qua Đắk Nông, liên danh Vin - Tech đã đề xuất 3 phương án triển khai .

Phương án tiền khả thi, đã được phê duyệt, xác định điểm đầu tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại Km1796+400 đến Km1915+900 với tổng chiều dài tuyến qua Đắk Nông khoảng 15,3km và chi phí xây dựng 2.948 tỷ đồng.

Hai phương án còn lại có thiết kế tim tuyến dịch về phía Tây so với phương án tiền khả thi, dao động từ 3,5km đến 7,85km. Nếu lựa chọn dịch chuyển về phía Tây, đoạn đường cao tốc qua Đắk Nông sẽ rút ngắn còn khoảng 11 - 12,53km, đồng thời chi phí xây dựng sẽ giảm xuống còn từ 1.500 tỷ đến 1.828 tỷ đồng.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, sau khi hoàn thành đây sẽ là tuyến huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, dự án cũng sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 14 hiện đang quá tải.

Trước đó, dự án được thúc tiến độ để giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vào năm 2027. Theo đó, năm 2025 là năm cuối để tăng tốc các chỉ tiêu của Nghị quyết 5 năm (2021-2025). Đây cũng là năm đầu tiên hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải (GTVT) theo chủ trương tinh gọn bộ máy. Điều này sẽ tác động lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu không bị gián đoạn, Sở Xây dựng cần có sự vào cuộc, quyết tâm cao.

Cụ thể, Sở Xây dựng cần tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ của các dự án thành phần thuộc cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm và công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tuyến cao tốc này được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 tập trung vào việc xây dựng đường cao tốc chính, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), do UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền.

Dự án thành phần 2 và 3 bao gồm việc xây dựng đường gom và các cầu vượt ngang, đảm bảo kết nối và an toàn giao thông trên đoạn qua 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Các dự án này được thực hiện theo hình thức đầu tư công với UBND các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 và 5 liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn 2 tỉnh. Các hạng mục này cũng được thực hiện theo hình thức đầu tư công và do UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước làm cơ quan chủ quản.