Cộng đồng môi giới "dậy sóng" với Shark Lê Hùng Anh khi phát ngôn...làm môi giới, chất xám thấp, ai cũng làm được nên mới gọi là cò đất

Admin
Trước phát ngôn đang dậy sóng trên mạng xã hội, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam bày tỏ “Nghề môi giới - xin đừng coi thường. Vì môi giới không chỉ kết nối giao dịch mà còn kết nối dòng chảy kinh tế, bằng kiến thức, kỹ năng và lòng tự trọng”.

Mới đây, một phát ngôn trên mạng xã hội gây tranh cãi khắp cộng đồng môi giới bất động sản. Phát ngôn xuất phát từ Shark Hùng Anh đưa ra tại một talk show vào thời điểm tháng 11/2023 khi nhận định về nghề môi giới bất động sản.

Theo đó, Shark Lê Hùng Anh nói rằng: "Các bạn trẻ làm đất thời kỳ bây giờ làm rất khó khăn nhưng ngay cả trước đây, như bạn bè anh biết, làm môi giới bất động sản, nghĩ nó thơm nhưng thực chất được bao nhiêu tiền?

Đặc biệt làm đất, chất xám trong đó, nói thẳng là thấp, thấp chứ không phải không có. Nên tại sao người ta không gọi là cò ô tô, cò điện thoại mà gọi là cò đất? Bởi vì tất cả các thành phần đều có thể làm được. Khi mà lực lượng lao động đối tượng nào cũng tham gia được thì chứng tỏ thị trường lao động đó kém bền vững. Thị trường nào càng dễ tham gia thì càng dễ thay đổi và mất đi!"

Phát ngôn trên gây tranh cãi trên cộng đồng môi giới bất động sản. Nhiều người cho rằng mỗi người có quan điểm riêng, nhưng dù có làm Shark hay gì đi nữa, cái tối thiểu là tôn trọng mỗi nghề nghiệp như nhau. Vì mỗi nghề nghiệp tồn tại đều có giá trị riêng, có này có kia nhưng tổng thể vẫn là sự tự hào và đam mê, sống được với nghề.

"Hiện tại, mình quan sát thấy, rất nhiều hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn từ to đến nhỏ, từ bắt đầu hay kết thúc, gần như đều có liên quan bất động sản, đơn giản nhất là từ cái văn phòng đi thuê, mua để đặt trụ sở giao dịch là cái đầu tiên đã là câu chuyện của bất động sản rồi", một người dùng mạng xã hội bình luận.

"Nghề môi giới – xin đừng coi thường"

Bày tỏ trước phát ngôn đang gây "dậy sóng", ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây chia sẻ rằng: "Tôi thực sự cảm thấy buồn. Làm sao không buồn cho được, khi những nỗ lực, kiến thức và lòng tự trọng của hàng vạn người đang ngày đêm làm nghề lại bị đánh giá chỉ bằng một câu nói mang đầy định kiến?"

Cộng đồng môi giới

Phó chủ tịch VARS cho hay, ít ai biết rằng, mỗi giao dịch bất động sản thành công không chỉ là câu chuyện mua bán - mà còn tác động đến dòng chảy của vốn, tín dụng, thu ngân sách và việc làm, góp phần nuôi dưỡng cả một hệ sinh thái kinh tế đa ngành.

Nghề môi giới bất động sản mở cửa cho nhiều người, nhưng để đi được đường dài, người làm nghề cần: Am hiểu sâu về thị trường, quy hoạch, pháp lý; Thành thạo kỹ năng tài chính, tư vấn, thương lượng, chốt giao dịch; Bản lĩnh vững vàng trước áp lực từ khách hàng, thị trường, đối thủ và cả dư luận.

"Chúng ta không phủ nhận rằng, vẫn còn tồn tại những người làm sai, làm ẩu, làm chộp giật. Nhưng nếu chỉ nhìn vào số ít đó để đánh giá cả một cộng đồng đang không ngừng học hỏi và hành nghề một cách tử tế, chuyên nghiệp thì đó không phải là góp ý, mà là định kiến thiếu công bằng", ông Bình nhấn mạnh.

Theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, từ ngày 1/1/2025, cá nhân muốn được công nhận là nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp phải: có chứng chỉ hành nghề được cấp chính thức; hoạt động trong doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ môi giới hoặc sàn giao dịch hợp pháp; không được hành nghề môi giới tự do như trước.

"Chúng tôi không cần ai gọi nghề này là cao quý. Chúng tôi chỉ mong một điều: Đừng coi thường nó. Vì phía sau mỗi giao dịch là mồ hôi, kiến thức, kỹ năng và lòng tự trọng của những người đang sống tử tế bằng nghề", Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói.

Cũng theo Phó chủ tịch Hội, đây là quan điểm cá nhân, xuất phát từ trải nghiệm, từ cảm xúc và từ sự trân trọng với nghề. "Tôi đã từng là một nhà môi giới bất động sản. Và tôi luôn tự hào vì điều đó", ông bày tỏ.