Cụ ông 72 tuổi nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan toả

Admin
Tưởng chừng chỉ bị viêm phổi thông thường, cụ ông ở Hòa Bình rơi vào tình trạng nguy kịch khi giun lươn lan tỏa khắp cơ thể, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não và suy đa tạng.

Một cụ ông 72 tuổi ở Hòa Bình vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn lan tỏa – một dạng nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Bệnh nhân là ông B.V.C, nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, ý thức lơ mơ, suy kiệt nghiêm trọng, phải thở oxy. Trước đó khoảng một tháng, ông C. xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi và sốt kéo dài. 

Clip: Giun lươn lan tỏa – một dạng nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Tuy nhiên, thay vì nhập viện điều trị, ông chỉ xin thuốc về uống. Sau 10 ngày tự chữa tại nhà không hiệu quả, bệnh tình trở nặng với các triệu chứng sốt cao, rét run, khó thở dữ dội. Ông được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh, điều trị sáu ngày nhưng không cải thiện, buộc phải chuyển lên tuyến trung ương.

Theo bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó trưởng khoa Cấp cứu, ông C. có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, suy tim, suy tuyến thượng thận, thoái hóa khớp và có tiền sử dùng corticosteroid kéo dài – một yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch. Thêm vào đó, ông làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc với đất mà không có biện pháp bảo hộ, khiến nguy cơ nhiễm giun lươn càng cao.

Giun lươn là một loại ký sinh trùng sống trong đất ẩm, xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là vùng bàn chân. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng di chuyển theo máu đến phổi, phá vỡ mao mạch phổi, xâm nhập đường hô hấp, rồi theo đờm đi xuống ruột để trưởng thành và sinh sản. 

Một số ấu trùng có thể xuyên qua thành ruột, xâm nhập vào máu, tiếp tục chu trình tái nhiễm, khiến chúng tồn tại lâu dài trong cơ thể.

Cụ ông 72 tuổi nguy kịch vì nhiễm giun lươn lan toả- Ảnh 1.

Hiện tại, ông C. đang được điều trị tích cực, thở máy, dùng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao (Ảnh:BVCC).

Ở người khỏe mạnh, nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ gây đau bụng, tiêu chảy nhẹ. Tuy nhiên, với những người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư, người ghép tạng hoặc người dùng corticosteroid dài ngày giun lươn có thể bùng phát mạnh, lan tỏa ra các cơ quan ngoài vòng đời thông thường như não, gan, tim, da, gây biến chứng nghiêm trọng.

Đặc biệt, khi di chuyển trong cơ thể, ấu trùng giun lươn có thể mang theo vi khuẩn đường ruột, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi và dẫn đến sốc nhiễm trùng. Nhiễm giun lươn lan tỏa thường gây tử vong ở người suy giảm miễn dịch, ngay cả khi đã được điều trị kịp thời.

Người phụ nữ nhiễm giun đũa vì nuôi thú cưngBệnh nhân 43 tuổi bị thủng ruột non do giun đũa

Hiện tại, ông C. đang được điều trị tích cực, thở máy, dùng kháng sinh và thuốc diệt ký sinh trùng. Tuy nhiên, tình trạng vẫn rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Bắc khuyến cáo, đa số người nhiễm giun lươn giai đoạn đầu không có triệu chứng điển hình, chỉ xuất hiện phát ban ngứa ở vị trí ấu trùng xâm nhập, hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa nhẹ như đau bụng, tiêu chảy, chán ăn. 

Với những người có hệ miễn dịch suy yếu, giun lươn có thể gây tổn thương đa cơ quan, đe dọa tính mạng.

Người dân, đặc biệt là người làm nông, nên mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với đất, rửa tay sạch sẽ sau khi lao động và định kỳ tẩy giun để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun lươn cũng như các bệnh ký sinh trùng khác.