Ở một con hẻm bình thường tại Bắc Kinh (Trung Quốc), dù không phải địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng nhiều người vẫn rủ nhau đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng một trong những "tuyệt tác mùa xuân".
Thứ chiếm trọn spotlight ở con hẻm này là công trình "cây hoa mọc từ mái nhà", khiến ai ngắm nghía cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp tuyệt đối điện ảnh.
Được biết, chủ nhân của ngôi nhà đã trồng cây bào đồng (Paulownia) to đến mức nhìn từ ngoài vào, trông chẳng khác gì cây được mọc lên từ mái nhà. Loài cây này thường nở hoa vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 nên đây đang là thời điểm bào đồng nở hoa rực rỡ, cây càng to hoa càng nở rộ, "nhuộm tím" một góc không gian.
Bào đồng nở hoa rất đẹp nhưng chỉ nở vào mùa xuân và thời gian nở rất ngắn, vì vậy nếu bỏ lỡ thời điểm "vàng" thì phải chờ đến năm sau mới lại được ngắm hoa. Đó cũng là lý do khiến cho cây bào đồng ở con hẻm này thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng và check-in.

Cây bào đồng của một gia đình ở Bắc Kinh (Trung Quốc) thu hút nhiều sự chú ý từ CĐM khi ra hoa rực rỡ
Bào đồng là một loài cây được trồng rất phổ biến ở Trung Quốc, thậm chí còn có 1 bài thơ ngắn để miêu tả vẻ đẹp hoàn hảo của bào đồng khi nở hoa, có thể tạm dịch như sau:
Một cây tỏa hương thơm ngát như khói tím,
Gió đưa ngàn bướm lượn nhẹ lay,
Thời gian trôi, hoa tự mang linh khí,
Dẫn dụ phượng hoàng xuống nghỉ chân.
Những bông hoa bào đồng thường nhỏ xinh, mang sắc tím phấn hồng nhẹ nhàng, đầy thơ mộng. Thân cây thì cao lớn, dáng dấp uyển chuyển như một vũ công giữa phố phường. Riêng cây bào đồng của gia đình này lại "vượt chuẩn", được trồng tại nhà và vươn cao như chạm tới mây, nhìn từ xa cứ ngỡ như cây đang tan vào trời, tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa lãng mạn đến nao lòng.

Ở góc nhìn từ dưới ngước lên, cây bào đồng như tan vào sắc xanh của mây trời
Tìm hiểu chi tiết về cây bào đồng (Paulownia)
1. Thông tin
Cây bào đồng là loài cây gỗ rụng lá có nguồn gốc từ Trung Quốc, với lịch sử trồng trọt lâu đời có thể truy về thời cổ đại.
Khu vực nguyên sinh của cây bào đồng chủ yếu nằm ở vùng Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Sau này, nhờ vào quá trình thuần hóa và nhân giống, cây dần được phổ biến rộng rãi khắp miền Bắc Trung Quốc và lan sang nhiều nơi trên thế giới.
Hiện nay, cây bào đồng có mặt trên khắp các tỉnh thành của Trung Quốc - từ nam Liêu Ninh, xuyên qua Đài Loan, tới tận Quảng Đông, Quảng Tây ở phía Nam, và kéo dài sang phía Tây như Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên… với cả quần thể tự nhiên và trồng nhân tạo.
Gỗ của cây được sử dụng trong chế tác nhạc cụ điển hình đàn violin. Ngoài ra, cây còn có giá trị dược liệu cao, từ rễ, vỏ, quả, hoa đến lá đều có thể dùng làm thuốc.
Cây bào đồng cũng được du nhập từ rất sớm sang các nước châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… và về sau còn lan rộng sang châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.
Tại Nhật Bản, cây bào đồng được gọi là Kirimochi và được xem là loài cây của sự may mắn. Người Nhật thường dùng gỗ cây bào đồng để làm đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ và trong nhiều nghi lễ truyền thống.

2. Giá trị thẩm mỹ
Cây bào đồng sinh trưởng nhanh, hoa đẹp và có mùi thơm dễ chịu. Đặc biệt vào đầu xuân, cây bào đồng nở rộ những chùm hoa màu tím hồng hoặc trắng, phủ kín như một làn mây tím, kết hợp cùng các loài hoa khác tạo nên khung cảnh rất thơ mộng, có giá trị cảnh quan cao.
Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, cây bào đồng còn mang nhiều ý nghĩa tốt lành.
Từ xưa, cây đã được xem là biểu tượng của may mắn và phú quý. Dáng cây thẳng, thân cao, tán lá dày mang đến cảm giác đầy sức sống, rất được ưa chuộng trồng tại sân vườn, công viên như lời chúc cho sự thịnh vượng và phát đạt. Tại Trung Quốc, tuyến đường hoa bào đồng ở khu Diệc Trang (Bắc Kinh) là điểm đến "gây sốt" mỗi dịp xuân về. Hàng cây bào đồng được trồng dọc hai bên đường, cứ đến mùa nở rộ là cả con phố như được "nhuộm tím" trong sắc hoa dịu dàng, thu hút không chỉ người dân thủ đô mà còn khiến bao du khách say mê tìm đến chiêm ngưỡng và check-in.

3. Lưu ý khi trồng cây bào đồng
Khi trồng cây bào đồng, cần đảm bảo đủ ánh nắng mặt trời vì cây sẽ phát triển rất nhanh trong điều kiện có ánh sáng tốt.
Giai đoạn đầu sau khi trồng, nên duy trì độ ẩm cho đất, bón thêm một chút phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ để cây bén rễ tốt.
Nếu chăm sóc đúng cách, tỉ lệ sống gần như đạt 100%, và cây có thể trồng được cả ở miền Nam lẫn miền Bắc.
Sau khi cây đã ổn định, hầu như không cần chăm sóc nhiều, cây sẽ tự lớn. Đối với cây non, có thể cắt tỉa tạo dáng để tăng tính thẩm mỹ.

Nguồn: Toutiao