Dùng AI để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm thuế và hoá đơn

Admin
Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, song ngành Thuế, thu ngân sách từ khu vực chưa tương xứng với tiềm năng.

Gần 2 triệu hộ kinh doanh kê khai thuế khoán

Cục Thuế cho biết, đến nay số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp tờ khai gồm hơn 1,975 triệu hộ nộp thuế theo hình thức khoán; hơn 6.000 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai. Số lượng hộ, cá nhân kinh doanh được đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh hơn 61.000 hộ.

Mức thuế khoán bình quân tháng 3/2025 là 672.300 đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Số thuế bình quân theo phương pháp kê khai tháng 3/2025 là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế. 

Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, đạt 27,2% so với nhiệm vụ thu, bằng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024 thực hiện.

Dùng AI để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm thuế và hoá đơn- Ảnh 1.

Hiện có gần 2 triệu hộ kinh doanh kê khai thuế khoán

Theo đánh giá của Cục Thuế, số nộp ngân sách Nhà nước từ hộ, cá nhân kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ chiếm 1,5 - 2% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý, chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

"Cần phải có giải pháp chính sách có tính đột phá về phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn "lách luật" để trốn thuế, gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách Nhà nước", Cục Thuế cho biết.

Theo Cục Thuế, trên nguyên tắc "người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm", tuy nhiên, người đại diện pháp luật doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng trong việc chấp hành pháp luật thuế và hóa đơn. 

Nghiêm trọng hơn là tình trạng doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động phát sinh doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn nhưng không kê khai, không nộp thuế hoặc kê khai nhưng không đầy đủ hoặc đã khai thuế nhưng không nộp thuế… dẫn đến còn thất thu thuế ở khu vực kinh doanh này.

Chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh

Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, hiện nay việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn còn một số bất cập như việc rà soát, cập nhật dữ liệu chưa đồng bộ, kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cấp, nhất là tại cấp đội thuế liên huyện chưa hiệu quả, cần phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm ngay.

Người đứng đầu ngành Thuế nhấn mạnh, đã đến lúc toàn ngành cần chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh từ phương thức truyền thống sang phương thức quản lý tự động hóa thông qua công tác chuyển đổi số và dữ liệu lớn (Big Data). 

Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, lưu trú...

Dùng AI để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm thuế và hoá đơn- Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành nêu rõ, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đồng bộ chuyển đổi số và cải cách hành chính theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Hiện ngành Thuế đã áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML), từ đó giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, nhận diện chính xác thông tin về doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh có các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và hóa đơn. 

Cục Thuế khuyến cáo chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp; cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh khẩn trương hoàn thành các nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với nhà nước, tránh vi phạm pháp luật