Hương vị Tây Nguyên
Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, hương rượu cần nồng nàn vẫn lan tỏa trong từng nếp nhà sàn của người Jrai ở Ia Yeng (Phú Thiện, Gia Lai). Không chỉ là thức uống trong lễ hội hay dịp sum họp, rượu cần còn là nét văn hóa truyền đời, gắn bó với bao thế hệ.
Điều làm nên hương vị đặc trưng cho từng ché rượu chính là men từ rễ cây – bí quyết được người Jrai nâng niu gìn giữ như báu vật của núi rừng.
Trong căn nhà sàn truyền thống, chị Ksor H’Doăi, Trưởng thôn Kte Nhỏ, đang chăm chút những ché rượu đã ủ vài tuần, tỏa hương thơm quyến rũ.
Chị chia sẻ: "Không phải rễ cây nào cũng làm men được. Phải vào rừng, chọn đúng loại rễ thơm, rễ đắng theo kinh nghiệm tổ tiên. Nhờ đó, rượu mới thơm lâu, ngọt hậu, uống xong không đau đầu. Nhà nào có khách quý đều mang ché rượu ra mời – khách uống một lần là nhớ mãi!"

Chị H’Doăi chia sẻ: "Rễ cây làm men không phải loại nào cũng dùng được. Phải lên rừng, chọn đúng rễ thơm, rễ đắng theo kinh nghiệm ông bà để lại.
Chị H’Doăi kể, để làm ra những ghè rượu cần thơm ngon, người làm phải bỏ rất nhiều công sức – từ việc vào rừng đào rễ cây, đến giã nát, phơi khô và ép thành từng miếng men to bằng bàn tay. “Chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số lên núi tìm rễ cây làm men. Giờ rễ ngày càng hiếm, có khi phải ở lại trong rừng nhiều ngày mới đủ nguyên liệu. Mùa mưa là thời điểm rễ phát triển mạnh, nhưng đi rừng khi ấy thì cực lắm: đường trơn trượt, lầy lội, gió lạnh buốt", chị chia sẻ.
Rễ cây mang về được rửa sạch, phơi khô rồi giã nhuyễn cùng các loại cỏ, lá hái từ vườn nhà. Khi phơi phải luôn có người trông, tránh để dính mưa. “Làm ra một ghè rượu ngon là cả quá trình vất vả. Nhưng khi được thưởng thức hương vị do chính tay mình tạo nên, cảm giác vui và tự hào lắm!”, chị H’Doăi nói đầy tự hào.

Rượu ghè là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các lễ hội của người đồng bào Tây Nguyên.
Dẫn chúng tôi lên nhà sàn, trong không gian thoảng mùi thơm nồng của rượu, già Ksor A Nghin – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kte Lớn B tay xách 2 ghè rượu đặt giữa nhà, hào hứng khoe: “Nhờ lưu giữ và phát huy bí quyết làm men từ rễ cây rừng, bà con Jrai ở Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tạo nên những ché rượu cần thơm nồng, mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên".
Hương rượu không chỉ hấp dẫn bởi vị ngọt dịu, men cay đặc trưng mà còn chất chứa tinh hoa văn hóa của người Jrai qua bao thế hệ. Theo già Nghin, gìn giữ bí quyết làm men rượu không chỉ là trân trọng di sản tổ tiên để lại, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, từng bước đưa thương hiệu rượu cần Ia Yeng vươn xa.
Ông chia sẻ thêm, qua năm tháng, cha ông người Jrai đã khám phá ra những loại rễ cây tưởng chừng quen thuộc trong đời sống như cây h’gam, drăl dung, mía, gừng, ớt, củ chuối… lại có thể tạo nên thứ men rượu đặc biệt, thấm đẫm hồn cốt của đại ngàn Tây Nguyên.
Đưa đặc sản Ia Yeng vươn xa
Không chỉ là nét văn hóa truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ, men rượu từ rễ cây rừng còn “ủ” lên giấc mơ no ấm cho bà con Ia Yeng. Từng ché rượu cần thơm nồng đang dần trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần đưa hương vị núi rừng vươn xa trên thị trường.
Tiếng lành đồn xa, nhờ hương thơm đặc trưng và ưu điểm “uống lâu say, tỉnh nhanh”, rượu cần ngày càng được người dân ưa chuộng. Gia đình làm ra nhiều hơn để bán cho bà con khi có nhu cầu, còn khách từ các địa phương khác cũng tìm đến mua mang về sử dụng.

Già Ksor A Nghin, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kte Lớn B khoe: "Nhờ lưu giữ và phát huy cách làm men rượu truyền thống từ các loại rễ cây rừng, bà con người Jrai ở xã Ia Yeng đã tạo nên những mẻ rượu cần thơm nồng, mang đậm hương vị núi rừng.
Để gìn giữ và phát huy giá trị men rượu cần truyền thống, từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yeng đã triển khai mô hình “Men rượu cần” tại Chi hội Phụ nữ thôn Kte Nhỏ với 14 thành viên tham gia. Sau 2 năm hoạt động, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực: vừa góp phần lưu giữ kỹ thuật làm men từ rễ cây rừng, vừa tạo thêm thu nhập cho hội viên.
Bà Ksor H’Den, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chia sẻ: “Mô hình không chỉ giúp bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Jrai mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng rượu, bia an toàn. Khi có thể tự làm hoặc mua men sạch để nấu rượu, bà con vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo sức khỏe".
Thời gian tới, Hội dự kiến tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời đẩy mạnh quảng bá cách làm men và sản phẩm rượu cần truyền thống ra thị trường, giúp người dân Ia Yeng có thêm cơ hội phát triển kinh tế.
Từ những rễ cây rừng mộc mạc, người Jrai nơi đây đã ủ nên những ché rượu đậm đà bản sắc. Mỗi ché không chỉ là thức uống ngày hội, mà còn là kết tinh của văn hóa, của tình đất – tình người, và là niềm tin về một tương lai nơi đặc sản rượu cần Ia Yeng vươn xa.