Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024

Admin
Năm 2024, ngành y tế đã có nhiều dấu ấn tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

1. Chính thức cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Chiều 30/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Nghị quyết 173 nêu rõ, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. 

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mang thuốc lá điện tử vào nghị trường để minh họa.

Trước đó, chiều 11/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên nữ Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra những sản phẩm thuốc lá điện tử đã chuẩn bị sẵn với màu sắc và hình dáng rất bắt mắt trước nghị trường Quốc hội để minh họa. "Có ai nghĩ đây là thuốc lá điện tử không?", Bộ trưởng vừa giơ sản phẩm thuốc lá điện tử vừa đặt câu hỏi. Theo Bộ trưởng, các sản phẩm này rất bắt mắt, hấp dẫn và thu hút giới trẻ.

2. Thông qua các Luật tác động đến ngành Y tế

Chiều 27/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua và hiệu lực từ 1/7/2025, danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được Bộ trưởng Y tế ban hành.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024- Ảnh 2.

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) 100% cũng được áp dụng với người đi cấp cứu tại tất cả cơ sở y tế; người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, xã đảo, huyện đảo khi khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở y tế cấp chuyên sâu; người khám, chữa bệnh tại cơ sở cấp ban đầu; khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở cấp cơ bản; khám chữa tại cơ sở cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước 1/1/2025 được xác định là tuyến huyện.

Bên cạnh đó, tại phiên họp chiều 21/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 2 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành, bổ sung 3 điều mới; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Luật Giá số 16; Điều 3 về Điều khoản thi hành. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 7 nhóm điểm mới cơ bản.

3. Kỷ lục mới trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam

Tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai diễn ra ngày 11/10, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết 9 tháng đầu năm 2024, ngành ghép tạng Việt Nam ghi nhận kỷ lục chưa từng có trong 32 năm lịch sử.

Số liệu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 25 ca chết não hiến mô tạng. Điều này góp phần tăng tỉ lệ và số ca được ghép tạng từ nguồn người hiến chết não. Cụ thể, có 87/829 ca (gần 10,5%) ca được ghép tạng từ người cho chết não.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024- Ảnh 3.

Ngành ghép tạng Việt Nam ghi nhận kỷ lục chưa từng có.

Có thể kể đến thông tin vào ngày 5/4, Bệnh viện Trung ương Huế đã lập kỷ lục khi thực hiện ghép tạng thành công cho 8 bệnh nhân chỉ trong vòng 48 giờ. Bệnh viện Trung ương Huế cũng cho biết, song song với trường hợp trên, trong 48 giờ, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 5 ca ghép tạng khác gồm: 1 ca ghép thận tự thân (do đa chấn thương dập cuống thận và các thương tổn khác) và 4 ca ghép tạng khác.

Hay một ca khác, vào đêm 1/4 đến rạng sáng 2/4, ca phẫu thuật lấy đa tạng của một người hiến bị chết não do tai nạn giao thông được thực hiện tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) với sự tham gia của khoảng 120 y bác sĩ.

Đây cũng là một trong những lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh trước khi chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là Bệnh viện Trung ương Huế.

Người hiến tạng là một công dân tỉnh Quảng Ninh, bị chấn thương sọ não nặng sau tai nạn giao thông.

Các tạng được hiến bao gồm: Tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải - gan trái, hai quả thận, hai giác mạc. Ca phẫu thuật lấy tạng được triển khai ngay trong đêm với sự tham gia của các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam, gồm Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế.

Đến ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư tri ân người hiến tạng và khen cán bộ, nhân viên y tế của các bệnh viện, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia sau thành công của ca điều phối tạng từ người cho chết não cứu sống 7 người.

4. Vắc-xin sốt xuất huyết có mặt ở Việt Nam

Tháng 9/2024, thông tin vắc-xin sốt xuất huyết của Hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) về Việt Nam và triển khai tiêm lần đầu cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024- Ảnh 4.

Vắc- xin sốt xuất huyết có mặt ở Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá việc triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết tại Việt Nam giúp ngành Y tế dự phòng và người dân có thêm "vũ khí" phòng bệnh và đối phó với dịch sốt xuất huyết hiệu quả bên cạnh biện pháp kiểm soát muỗi, lăng quăng và ngăn ngừa muỗi đốt còn gặp nhiều khó khăn.

5. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước

Trong năm 2024 cũng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước.

Tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1/2024 ở hộ kinh doanh bánh mỳ Thu Hà, làm 150 người bị nhiễm độc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.

Tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người bị nhiễm độc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà.

Tại Đồng Nai, vụ ngộ độc tại tiệm bánh mỳ Cô Băng tháng 4/2024, làm 547 người mắc và đi viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa.

Vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể công ty TNHH Dechang Việt Nam hồi tháng 5 làm 95 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong mỳ Quảng.

Tại Vĩnh Phúc, tháng 5/2024 xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam khiến 438 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn Bacillus Cereus có trong canh chua giá đỗ.

Hồi tháng 8/2024, vụ ngộ độc thực phẩm khiến 80 học sinh, sinh viên ở nội trú trong ký túc xá Trường Cao đẳng Lào Cai cơ sở 1 (phường Bắc Cường, Lào Cai) mắc phải, trong đó có 54 em phải nhập viện với các biểu hiện tiêu hoá, nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tối tại nhà ăn. 

Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành Y tế năm 2024- Ảnh 5.

Nạn nhân ngộ độc sau ăn bánh mì tại Đồng Nai phải chuyển lên Tp.HCM điều trị.

Vụ 150 công nhân tại Công ty TNHH Sunrese Apparel Việt Nam (Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu sau bữa trưa ngày 28/8, nguyên nhân do chất histamin với hàm lượng cao có trong món cá thu ù kho trong bữa ăn.

Hay vụ ngộ độc sau ăn bánh mì tại Tp. Vũng Tàu khiến gần 300 người nhập viện thăm khám và 1 trường hợp tử vong. Ngay sau khi có thông tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 27/11 đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị điều tra xác định rõ nguyên nhân, truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Ngành y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh

Gần đây nhất, trưa ngày 6/12, Công ty CP thương mại B.A.C (số 340 đường Đặng Thai Mai, Hưng Đông, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An) cung cấp 1.215 suất ăn cho 3 công ty. Sau bữa ăn trưa, đến khoảng 13h cùng ngày, một công nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nóng sốt, nổi ban mẩn ngứa.

Đến 20h ngày 6/12, có tới 84 công nhân của 2 công ty (Premium Fashion Việt Nam và JTEC Nghệ An) xuất hiện triệu chứng ngộ độc và được đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị. Liên quan đến sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Nghệ An tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định.