Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NOXH tiếp tục chậm giải ngân

Admin
Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã có 36/63 UBND tỉnh công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, trong đó có 16 dự án đã được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi gói 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

Bộ Xây dựng vừa trả lời kiến nghị của cử tri Khánh Hòa về đề nghị nghiên cứu, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân, người lao động với mức giá hợp lý để tạo điều kiện cho công nhân lao động thuê hoặc mua nhằm ổn định cuộc sống.

Theo Bộ Xây dựng, ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024). Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 100 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024).

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NOXH tiếp tục chậm giải ngân- Ảnh 1.

Theo Bộ Xây dựng, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi gói 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

Theo đó, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100 đã quy định về chính sách nhà ở xã hội với nhiều quy định mới nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển và giảm giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội để người thu nhập thấp, công nhân lao động có thể tiếp cận mua, thuê mua, thuê nhà ở để ổn định cuộc sống.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê được hưởng các ưu đãi sau:

Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này.

Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.

Được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về đất đai .

Trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư dự án được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này.

Được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án…

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được quy định tại Điều 87 Luật Nhà ở năm 2023 và hướng dẫn cụ thể tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định số 100 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó chủ đầu tư không được tính các ưu đãi nêu trên vào giá bán, giá thuê mua nhà ở, đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với đa số người dân đô thị.

Về tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu có các nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ do các ngân hàng thương mại chủ động cân đối và nguồn vốn ngân sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đến nay, cả nước đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử (có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng).

Đối với người mua nhà, qua rà soát hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.

“Với các cơ chế, chính sách nêu trên đã đảm bảo ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện cho chủ đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển tạo nguồn cung nhà ở xã hội”, Bộ Xây dựng thông tin.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng là do các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại, chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.