Loạt điểm nghẽn sẽ được gỡ khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Admin
Khi các điểm nghẽn trong phát triển được tháo gỡ, TP.HCM sẽ nâng sức cạnh tranh so với các đại đô thị trong khu vực và trên thế giới.

Gỡ điểm nghẽn trong phát triển của 3 tỉnh thành

Trả lời PV Báo Điện tử VTC News, TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng phương án sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sẽ quyết định đến tương lai của cả khu vực có tiềm lực kinh tế lớn nhất, năng động nhất cả nước.

Việc sáp nhập được kỳ vọng tháo gỡ loạt điểm nghẽn trong phát triển của 3 tỉnh thành này thời gian trước đây.

Đầu tiên là các vấn đề liên quan đến kết nối hạ tầng giao thông liên tỉnh sẽ được giải quyết nhanh hơn. Đơn cử như việc thúc đẩy đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 để kết nối TP.HCM hiện hữu và tỉnh Bình Dương; hay dự án cầu vượt biển Cần Giờ kết nối TP.HCM hiện hữu và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

Cùng với đó là những quy hoạch liên quan đến các công trình hạ tầng trọng điểm như cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế, cũng được giải quyết hài hòa.

Loạt điểm nghẽn sẽ được gỡ khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 1.

Cần Giờ kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra khu kinh tế biển phát triển bật nhất phía Nam.

Các vấn đề về môi trường vốn "lấn cấn" giữa các bên từ đây cũng có giải pháp bền vững hơn. Ví dụ như việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn, bố trí bãi chôn lấp chất thải. Hay vấn đề liên quan đến thiếu quỹ đất phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp của TP.HCM; thiếu các công trình hạ tầng xã hội chất lượng cao về y tế, giáo dục, văn hóa… của 3 địa phương cũng được giải quyết.

“Khi các điểm nghẽn trong phát triển được tháo gỡ, TP.HCM mở rộng sẽ nâng cao sức cạnh tranh so với các vùng đại đô thị khác trong khu vực và trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM mở rộng và của cả nước”, TS Phạm Trần Hải nói.

Trong thông báo kết luận Hội nghị lần thứ 39 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Đề án hợp nhất TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương khẳng định bảo đảm TP.HCM sau hợp nhất là thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy lợi thế của 3 địa phương, thành một cực tăng trưởng mới của cả nước.

Theo thông báo, TP.HCM hợp nhất có diện tích 6.772,65km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn). TP.HCM mới sẽ có 168 đơn vị hành chính, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

TP.HCM sau sáp nhập sẽ hoạt động trước 15/9/2025.

Đề án cũng cho biết tổng thu ngân sách năm 2024 của 3 địa phương là 677.993 tỷ đồng; tổng GRDP của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng.

Loạt điểm nghẽn sẽ được gỡ khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 2.

TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương thu ngân sách và có thu nhập bình quân đầu người ở nhóm cao nhất nước.

Kết nối để không ai bị bỏ lại phía sau

Bên cạnh thuận lợi, việc sáp nhập 3 tỉnh thành cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý lãnh thổ có diện tích, dân số và quy mô kinh tế rất lớn.

TS Phạm Trần Hải cho rằng các thách thức này sẽ phải được giải quyết dựa trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giúp tăng cường khả năng kết nối trực tiếp giữa các khu vực của TP.HCM mở rộng. Đồng thời phát triển hạ tầng số và đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để giúp tăng cường khả năng kết nối trực tuyến, khắc phục các trở ngại do khoảng cách địa lý tạo nên.

Việc cắt giảm thủ tục hành chính và xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công cũng phải quyết liệt, để giúp giảm áp lực không cần thiết cho bộ máy quản lý nhà nước.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng một siêu đô thị với dân số đông và địa giới hành chính rộng chắc chắn sẽ đối mặt với các vấn đề như giao thông, y tế, giáo dục. Các vấn đề này cần được chú ý đầu tư mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu dân cư, nhất là các khu vực ngoại ô, để không ai bị bỏ lại phía sau vì chính sách phát triển không đồng đều.

Đặc biệt, việc sáp nhập chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi lớn cho các vùng nông nghiệp, đặc biệt là những khu vực có đời sống còn khó khăn.

Loạt điểm nghẽn sẽ được gỡ khi sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 3.

Các chuyên gia cho rằng một siêu đô thị với dân số đông và địa giới hành chính rộng cần kết nối, đầu tư mạnh y tế, giáo dục, văn hóa... để không ai bị bỏ lại phía sau. (Ảnh: Hà Linh)

Theo ông Thắng, sự phù hợp của đô thị hiện đại và tác động của đô thị hiện đại với các vùng nông nghiệp có những điểm cần lưu ý. Như các vùng nông nghiệp cần được quy hoạch hợp lý, để bảo tồn đất nông nghiệp và đảm bảo phát triển bền vững. Có thể được chuyển đổi một phần nông nghiệp sang các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ hoặc công nghệ cao, tạo cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, phải có chính sách hỗ trợ để đảm bảo người dân nông thôn không bị bỏ lại phía sau trong quá trình đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa có thể gây áp lực lên môi trường và làm mất đi bản sắc văn hóa của các vùng nông thôn, nên cần có sự cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

"Việc phát triển một đô thị hiện đại với định hướng công nghệ, công nghiệp và khoa học kỹ thuật như TP.HCM chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi lớn cho các vùng nông nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần được thực hiện một cách cân bằng, để đảm bảo sự phù hợp và phát triển bền vững", ông Thắng nói.

Năm 2025, Bình Dương được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 10%; Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được giao tăng trưởng 10% (trừ dầu thô, khí đốt), còn TP.HCM là 8,5%.

Các địa phương đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho năm nay, trong đó Bình Dương phấn đấu đạt 10,5%. Quy mô nền kinh tế ước hơn 572.442 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người vượt mức 195 triệu đồng/người.

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%, thu nhập bình quân đầu người (trừ dầu khí) đạt 9.620 USD.

Còn TP.HCM cũng phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 10%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Trong 3 địa phương, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi tiên phong sử dụng ngân sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp và cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người từ 65 tuổi trở lên.

TP.HCM cũng đã miễn 100% học phí cho học sinh các cấp.