Nếu bạn nghĩ trẻ con chỉ mê đồ chơi và kẹo bánh, thì quả thực câu trả lời là NHẦM TO! Gen Alpha - Thế hệ chào đời từ năm 2010 trở lại đây đã bắt đầu được bố mẹ cho tiền tiêu vặt và xu hướng chi tiêu của thế hệ này được ví von như “một làn gió mới”.
Một nghiên cứu mới từ công ty phân tích Numerator cho thấy, Gen Alpha – nhóm trẻ em dưới 15 tuổi, hiện “đóng góp” tới 28 tỷ USD vào sức chi tiêu của người Mỹ. Với trung bình 22 USD (khoảng 550.000 đồng) tiền tiêu vặt mỗi tuần, các em chủ yếu chi cho đồ chơi, đồ ăn vặt, và ngày càng bị ảnh hưởng bởi các xu hướng xã hội và tiếp thị kỹ thuật số.
Từ mì cay đến bình giữ nhiệt và những thứ “hot trend” trong mắt Gen Alpha
Những sản phẩm được Gen Alpha ưa chuộng nhất hiện nay không chỉ là đồ ăn vặt hay đồ chơi nữa. Đứng đầu danh sách là mì Samyang Buldak - Loại mì siêu cay đến từ Hàn Quốc vốn nổi lên từ các video thử thách Mukbang trên TikTok. Theo sát sau đó là bình nước giữ nhiệt Owala với thiết kế nắp bật màu sắc, trở thành món phụ kiện quen thuộc trong balo mỗi ngày đi học.
Thậm chí, sản phẩm nước uống Cirkul với tính năng nổi bật là cho phép tùy chỉnh hương vị nước ngay trong bình, cũng lọt top sản phẩm thu hút sự chú ý và cả ví tiền của Gen Alpha.

Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, khi bước vào tuổi dậy thì, Gen Alpha cũng bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc cá nhân, dưỡng da, làm đẹp. Theo Numerator, các thương hiệu “top đầu” trong tâm trí của những Gen Alpha mê chăm sóc ngoại hình có thể kể đến: Sữa tắm Squatch, phụ kiện cài tóc Kitsch và mỹ phẩm trị mụn Hero Cosmetics (mỹ phẩm trị mụn).
Hành vi tiêu dùng của Gen Alpha cho thấy mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn từ môi trường xung quanh, đặc biệt là bạn bè và mạng xã hội. Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, “học theo bạn bè” là phương thức phổ biến nhất để tiếp cận thông tin về sản phẩm mới, về “hot trend”. Tiếp theo là quảng cáo trên truyền hình và review của người nổi tiếng trên MXH.
Trong khi đó, những trẻ dưới 6 tuổi lại dễ bị tác động bởi những gì nhìn thấy khi đi siêu thị cùng bố mẹ, hoặc được giới thiệu từ người thân trong gia đình. Điều thú vị là hơn 50% số trẻ 6 tuổi trong khảo sát của Numerator đã từng yêu cầu mua món đồ mà các em thấy khi xem quảng cáo. Điều này phần nào cho thấy Gen Alpha có khả năng tiếp nhận quảng bá từ rất sớm.
Nếu xét theo danh mục sản phẩm, khoảng 50% trẻ dưới 10 tuổi sử dụng tiền tiêu vặt để mua đồ chơi. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 11, tỷ lệ này giảm mạnh - bằng chứng cho thấy trẻ đang lớn dần và chuyển hướng sang các sản phẩm gắn với “bản sắc cá nhân” như đồ làm đẹp, phụ kiện hay đồ ăn theo trend.
Thương hiệu “rục rịch” chuyển mình để chiều lòng thế hệ khách hàng tiềm năng
Để tiếp cận và chinh phục nhóm người tiêu dùng nhỏ tuổi nhưng có tiềm năng tiêu dùng lớn này, nhiều thương hiệu đã chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng trẻ hóa, số hóa và cá nhân hóa.

Ảnh minh họa
Các nhãn hàng bắt đầu phát triển những dòng sản phẩm phù hợp riêng cho Gen Alpha, tập trung vào yếu tố an toàn, đơn giản và phù hợp độ tuổi. Revolution Beauty là một ví dụ.
Thương hiệu này đã cho ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc da nhẹ dịu dành riêng cho tuổi teen. Trong khi đó Evereden – một thương hiệu skincare từng chỉ tập trung hướng đến đối tượng phụ nữ đang mang thai, cũng đã mở rộng sang thị trường thiếu niên và thu về mức tăng trưởng ba chữ số nhờ tiếp cận trực tiếp Gen Alpha qua TikTok và YouTube.
Theo Vogue Business, sự bùng nổ của làn sóng “Sephora Kids” (trẻ em mê mỹ phẩm) khiến nhiều thương hiệu buộc phải điều chỉnh công thức, bao bì và thông điệp để phù hợp với tâm lý người dùng ở độ tuổi chưa đến 15.
Bên cạnh đó, yếu tố trải nghiệm quảng cáo và trải nghiệm tương tác cũng đóng vai trò quan trọng. Gen Alpha lớn lên cùng màn hình cảm ứng, vì vậy các thương hiệu phải đầu tư nhiều hơn vào nền tảng tương tác.
LEGO là ví dụ điển hình khi tích hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR) vào các bộ đồ chơi và ứng dụng trên điện thoại. Chiến dịch trên TikTok của hãng này giúp tăng hơn 40% mức độ tương tác của nhóm dưới 13 tuổi. Tương tự, Nike từng hợp tác với nền tảng Roblox để ra mắt “Nikeland” – một vũ trụ ảo nơi trẻ em có thể chơi game, thử đồ và tương tác với thương hiệu. Theo Winsome Marketing, chiến lược này giúp Nike đạt tỉ lệ chuyển đổi cao hơn 30% so với các hình thức quảng bá truyền thống.

Nikeland
Một thay đổi đáng chú ý nữa là việc các thương hiệu không chỉ cộng tác với người nổi tiếng mà chuyển sang hợp tác với các influencer nhỏ tuổi – tức những bạn đồng trang lứa với Gen Alpha. Ryan’s World - cậu bé YouTuber nổi tiếng toàn cầu, từng bắt tay với Walmart để ra mắt dòng sản phẩm mang tên mình và đem lại doanh thu hơn 250 triệu USD. Đây là minh chứng rõ ràng rằng Gen Alpha không chỉ lắng nghe mà còn tin tưởng những “người bạn” đang cùng độ tuổi với mình.
Theo Marketing Brew, nhiều thương hiệu đang tích cực tìm kiếm các “kid creators” – không đơn thuần để quảng bá, mà để lắng nghe và đồng hành cùng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của trẻ em.

Ryan’s World
Bên cạnh đó, tính chân thật và hài hước cũng được xem là yếu tố then chốt trong cách truyền thông với Gen Alpha. Không cần quá cầu kỳ hay chỉn chu, các nội dung có yếu tố meme, gây cười hoặc hơi “ngông” lại dễ dàng thu hút sự chú ý của nhóm người tiêu dùng này. Những thương hiệu như Sour Patch Kids, Crocs hay Nutter Butter đều đã tận dụng chiến thuật “meme marketing” để lan truyền thương hiệu một cách tự nhiên trên mạng xã hội.
Một điểm đặc biệt khi tiếp cận Gen Alpha là thương hiệu không chỉ nói chuyện với trẻ, mà còn phải trò chuyện cùng phụ huynh – những người vẫn giữ quyền quyết định tài chính. Chính vì thế, yếu tố minh bạch, an toàn và phù hợp với đạo đức cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Các thương hiệu như Nike, Mattel hay Ben & Jerry’s đều tuân thủ chặt chẽ các quy định về quảng cáo hướng đến trẻ em (như COPPA tại Mỹ), đồng thời chủ động chia sẻ cách thu thập dữ liệu và xây dựng trải nghiệm số lành mạnh.
Cuối cùng, thay vì chỉ bán sản phẩm, các thương hiệu đang tạo ra cộng đồng sáng tạo – nơi trẻ em có thể tương tác, thể hiện cá tính và gắn bó lâu dài. LEGO phát triển nền tảng LEGO Life, nơi trẻ em có thể chia sẻ những mô hình do chính mình lắp ráp và nhận phản hồi tích cực. Patagonia, Ben & Jerry’s hay các thương hiệu giày “xanh” như Cariuma, Veja cũng chú trọng yếu tố bền vững, truyền cảm hứng sống có trách nhiệm và kết nối với các giá trị xã hội mà thế hệ Alpha đang lớn lên cùng.
Từ sản phẩm đến thông điệp, từ nền tảng công nghệ đến cộng đồng người dùng, rõ ràng Gen Alpha không phải là những người tiêu dùng “thụ động” như nhiều người từng nghĩ. Ngược lại, các thương hiệu đang dần nhận ra rằng muốn tồn tại trong tương lai, họ phải biết cách trò chuyện với những người nhỏ tuổi ngay từ hôm nay. Càng chân thật, sáng tạo, an toàn bao nhiêu thì càng dễ được yêu mến bấy nhiêu.
Theo BI, Vogue Business