Món ăn làm từ "vua của sa mạc", có mặt tại Việt Nam mà nhiều người không ngờ tới

Admin
Ngỡ chỉ có trong các vùng đất khô cằn, nắng cháy, nhưng "vua sa mạc" lại xuất hiện đầy hấp dẫn trong các món ăn đặc sản ở một tỉnh ven biển Việt Nam.

Nếu từng một lần ghé Bình Thuận - mảnh đất của nắng, gió và cát trắng trải dài - hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên không chỉ vì thiên nhiên đẹp nao lòng, mà còn bởi những món ăn dân dã nhưng đầy độc đáo nơi đây. Ngoài những món hải sản tươi sống vốn đã nức tiếng, nơi này còn có một nguyên liệu đặc biệt được ví von là "vua của sa mạc": dông cát.

Món ăn làm từ "vua của sa mạc", có mặt tại Việt Nam mà nhiều người không ngờ tới- Ảnh 1.

(Ảnh: Du lịch Ninh Thuận)

Dông là một loài bò sát sống trong các vùng cát nóng bỏng, có ngoại hình dễ khiến người ta liên tưởng đến thằn lằn, nhưng thân dài, to hơn và phần đầu vuông, mắt sáng, móng sắc. Dù ở nhiều nơi dông còn được gọi là kỳ nhông, nhưng với người dân Bình Thuận, "dông" là cái tên thân thuộc và gần gũi hơn cả. Loài bò sát này vốn sống trong các hang sâu dưới lòng cát, đặc biệt phát triển mạnh vào mùa mưa - khoảng thời gian lý tưởng để người dân địa phương tổ chức những chuyến "săn dông".

Việc bắt dông cũng là một nghệ thuật. Dông trong tự nhiên thường chắc thịt, thơm ngon hơn nhiều so với dông được nuôi. Người ta có thể dùng lưới, đặt bẫy, hoặc thậm chí đào hang để đưa được chú dông cát "béo tốt" về chế biến. 

Món ăn làm từ "vua của sa mạc", có mặt tại Việt Nam mà nhiều người không ngờ tới- Ảnh 2.

(Ảnh: HelloPhanRang)

Từ dông, người Bình Thuận có thể chế biến ra đủ món ngon: dông xào sả ớt, gỏi dông, cháo dông, trứng dông chiên bơ, cà tím cuốn dông… Nhưng nổi bật và được yêu thích nhất vẫn là dông nướng muối ớt - món ăn đơn giản nhưng đậm đà, giữ trọn vẹn hương vị thiên nhiên.

Để có được món dông nướng đúng điệu, khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Những con dông được chọn thường phải to, chắc thịt và hơi "mập" một chút. Dông nhỏ thịt mỏng, khi nướng dễ bị khô và bở, không giữ được vị ngon vốn có. Sau khi sơ chế sạch sẽ, bao gồm lột da, cắt tiết, rửa sạch, rồi người ta sẽ ướp dông với muối ớt, tiêu, hành, sả băm nhuyễn và một chút nước mắm ngon. Hỗn hợp gia vị không quá cầu kỳ, nhưng khi ướp vào thịt dông sẽ giúp làm dậy mùi thơm và tôn lên vị ngọt của thịt.

Dông được nướng trên bếp than hồng cho tới khi lớp da ngoài ngả màu vàng ruộm, thịt săn chắc, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nhìn bề ngoài, phần thịt như giòn rụm, nhưng khi cắn vào lại mọng nước, mềm ngọt và thấm đẫm vị cay nhẹ của ớt, mằn mặn của muối và thơm đặc trưng của sả.

Món ăn làm từ "vua của sa mạc", có mặt tại Việt Nam mà nhiều người không ngờ tới- Ảnh 3.

(Ảnh: mytour)

Thường thì món dông nướng sẽ được ăn kèm cùng bánh tráng, rau sống, bún tươi và chấm với nước mắm me chua ngọt hoặc mắm nêm tùy khẩu vị. Miếng dông được cuốn trong lớp bánh tráng mỏng, thêm chút rau thơm, chấm vào bát mắm đậm đà - một hương vị đủ để khiến bất kỳ thực khách nào cũng phải xuýt xoa.

Nhiều du khách khi lần đầu biết đến món dông nướng thường ngạc nhiên, thậm chí e dè vì vẻ ngoài "lạ lẫm" của nguyên liệu. Nhưng chỉ cần thử một lần, phần lớn đều phải thừa nhận: thịt dông thơm ngọt, béo nhẹ, lại mềm mà không hề tanh - một trải nghiệm ẩm thực rất riêng, rất "Bình Thuận".

Cũng bởi sự đặc biệt này mà món ăn từ "vua sa mạc" dần trở thành nét hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá ẩm thực địa phương. Giữa muôn vàn món ăn hiện đại, những món đặc sản từ nguyên liệu hoang dã như dông cát vẫn giữ được chỗ đứng nhờ hương vị tự nhiên, cách chế biến mộc mạc nhưng tinh tế.

Món ăn làm từ "vua của sa mạc", có mặt tại Việt Nam mà nhiều người không ngờ tới- Ảnh 4.

(Ảnh: @phanthietvn)

Đến Bình Thuận, nếu bạn muốn tìm một điều gì đó thật mới mẻ để kể lại sau chuyến đi, hãy thử một lần ghé những quán ăn bình dân ven đường, gọi một phần dông nướng muối ớt – biết đâu, bạn sẽ thấy mình vừa nếm được cả nắng, gió và linh hồn của mảnh đất miền duyên hải này.