Một thứ ở VN bị bão Yagi tàn phá có thể "tái chế" thành mặt hàng tỷ đô, nên xử lý ngay để giảm thiệt hại

Admin
Bán thứ này có thể mang về cho Việt Nam nhiều tỷ USD.
Một thứ ở VN bị bão Yagi tàn phá có thể "tái chế" thành mặt hàng tỷ đô, nên xử lý ngay để giảm thiệt hại- Ảnh 1.

Dăm gỗ của Việt Nam là mặt hàng được nhiều quốc gia trên thế giới tìm mua.

Đó là dăm gỗ và viên nén gỗ. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính tới hết tháng 8 năm 2024, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bên cạnh những mặt hàng chính như ghế gỗ, nội thất... các doanh nghiệp xuất khẩu "gỗ vụn" như dăm gỗ và viên nén gỗ thu về được gần 2 tỷ USD chỉ trong 7 tháng đầu năm nay.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dăm gỗ của nước ta đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong ngành lâm sản, chỉ sau đồ gỗ nội thất và ghế khung gỗ. Cùng thời gian trên, gỗ viên nén của nước ta có kim ngạch xuất khẩu đạt 422,5 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Mới đây, trong cuộc họp thông tin nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về một số giải pháp để khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 (Yagi), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão càn quét khiến cho nhiều diện tích rừng tại một số tỉnh miền Bắc bị gãy đổ, gây thiệt hại đáng kể.

Một thứ ở VN bị bão Yagi tàn phá có thể "tái chế" thành mặt hàng tỷ đô, nên xử lý ngay để giảm thiệt hại- Ảnh 2.

Xuất khẩu viên nén gỗ có thể mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ, Lạng Sơn có khoảng 2.000 ha rừng trồng bị gãy đổ, Bắc Giang có 5.100 ha bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Bên cạnh đó, rừng tại Ninh Bình, Hải Phòng… cùng bị thiệt hại với mức độ nhẹ hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay dăm gỗ và viên nén gỗ là mặt hàng đang được các thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp cần có hướng dẫn các địa phương và chủ rừng có rừng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xem xét hiện trạng, từ đó xử lý. Đặc biệt, với diện tích những cây rừng gãy đổ không thể khôi phục được thì nên tiến hành khai thác ngay và trồng cây thay thế. Với những cây gỗ nhỏ, cành gỗ cần gom lại để đem về băm là dăm gỗ, viên nén gỗ bán, nhằm giúp bà con giảm thiểu về thiệt hại.

Cây gãy đổ do mưa bão có thể được "tái chế" thành mặt hàng tỷ USD

Một thứ ở VN bị bão Yagi tàn phá có thể "tái chế" thành mặt hàng tỷ đô, nên xử lý ngay để giảm thiệt hại- Ảnh 3.

Cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 có thể được tận dụng để sản xuất dăm gỗ và viên nén gỗ. Ảnh: VGP

Để khắc phục cũng như giảm thiểu những thiệt hại đối với diện tích rừng do thiên tai gây ra, Cục Lâm nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT, đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng tiến hành xử lý và khai thác rừng bị gãy đổ.

Theo đó, với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng thì sẽ do chủ rừng quyết định về việc khai thác, tận dụng và tận thu. Sau khi tiến hành khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp, nhất là khi có thời tiết thuận lợi.

Ngoài ra, với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; rừng phòng hộ là rừng trồng thì tổ chức đánh giá về mức độ thiệt hại cũng như ước tính giá trị lâm sản tận thu. Đáng chú ý là diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn, số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (với tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì tiến hành khai thác và tận thu toàn bộ số cây. Chủ rừng sau đó phải có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.

Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, nếu số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu các cây bị đổ, gãy. Thủ tục khai thác, tận dụng và tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại do bão sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26 và Thông tư số 22 của Bộ NN&PTNT.

Trước đó, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 19,5 triệu tấn dăm gỗ và viên nén, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD. Hai mặt hàng này đều có chung nguyên liệu đầu vào là phụ phẩm của ngành trồng rừng và chế biến gỗ. Dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu tới hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, toàn ngành khai thác được khoảng 19 triệu ste củi. Đây là nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất dăm gỗ và viên nén. Bên cạnh đó, phế phụ phẩm của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ như đầu mẩu gỗ, gỗ vụn, vỏ bào, mùn cưa… cũng được sử dụng để sản xuất dăm gỗ và viên nén.