Nga vừa tuyên bố cắt khí đốt sang một quốc gia châu Âu kể từ 1/1: Là khách hàng ‘chốt đơn’ 2 tỷ mét khối mỗi năm, nguy cơ mất điện kéo dài

Admin
Kể từ ngày 1/1/2025, quốc gia châu Âu này sẽ bị cắt khỏi dòng chảy khí đốt của Nga.
Nga vừa tuyên bố cắt khí đốt sang một quốc gia châu Âu kể từ 1/1: Là khách hàng ‘chốt đơn’ 2 tỷ mét khối mỗi năm, nguy cơ mất điện kéo dài- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Gã khổng lồ năng lượng trực thuộc nhà nước Gazprom của Nga vào ngày 28/12 đã tuyên bố họ sẽ đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Moldova từ ngày 1 tháng 1 do Moldova chưa trả được các khoản nợ, đồng thời quốc gia này chuẩn bị đối mặt với việc cắt điện nghiêm trọng.

Nga cung cấp cho Moldova khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, được dẫn qua Ukraine đến khu vực Transdniestria - nơi khí đốt được sử dụng để sản xuất điện giá rẻ bán cho các khu vực do Chính phủ kiểm soát ở Moldova.

Thủ tướng Moldova Dorin Recean đã lên án quyết định này của Nga, ông cho rằng đây là bước khởi đầu cho việc ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu sau khi thỏa thuận quá cảnh hiện tại với Ukraine hết hạn vào ngày 31/12.

Moldova sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc đóng cửa.

Thủ tướng Recean chia sẻ: “Quyết định này một lần nữa khẳng định ý định của Điện Kremlin là để cư dân vùng Transdniestrian không có ánh sáng và hơi ấm vào giữa mùa đông”.

Về phía Nga, Moscow cho rằng Moldova cần trả nợ cho các nguồn cung cấp trước đây. Theo tính toán của Nga, khoản nợ hiện ở mức 709 triệu USD. Gazprom trước đây cho biết họ muốn Moldova trả nợ trước khi bắt đầu bơm khí đốt tới nước này thông qua các tuyến đường thay thế. Từ năm 2022, Transnistria và chính quyền trung ương Moldova đã nhất trí rằng tất cả khí đốt của Nga mà Moldova nhận được sẽ chuyển vào Transnistria.

Nếu không có nguồn cung cấp khí đốt, nhà máy phát điện có thể ngừng hoạt động và Moldova cũng như khu vực Transdniestria sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ.

Trước đó Quốc hội Moldova ngày 13/12 phê chuẩn tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày vì mối lo ngại về sự an toàn của người dân nước này trước nguy cơ dòng chảy khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Việc công bố tình trạng khẩn cấp cho phép Chính phủ Moldova đưa ra các phản ứng nhanh và hạn chế việc xuất khẩu năng lượng.

Các chuyên gia cho biết, Moldova không có phương án thay thế nào cho nguồn cung cấp khí đốt từ xứ bạch dương, cũng như trữ lượng của tàu chở năng lượng này, và tất cả các tuyến đường chính đều được kết nối với phương tiện vận chuyển qua Ukraine nhưng đang cận kề hết hạn.

Chuyên gia Belogoryev nói: "Chỉ có một đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Romania tới Moldova (theo tuyến Iasi - Ungheni - Chisinau), với công suất 1,5 tỷ mét khối mỗi năm. Ngay cả khi hoạt động tối đa công suất, nguồn cung này mới cũng chỉ có thể đáp ứng khoảng 50% mức tiêu thụ hằng năm của Moldova.

Trong khi đó, chuyên gia Kaufman không loại trừ khả năng nếu không có khí đốt của Nga, Moldova sẽ phải thay thế một phần bằng than, loại dễ nhập khẩu hơn nhiều về mặt hậu cần.