Gần 20 năm trước, nhiếp ảnh gia Trương Đài Bắc đã tìm được một khu đất hoang rộng 5.000m² ở vùng ngoại ô Mã An Sơn, An Huy, Trung Quốc, và quyết định biến nơi đây thành nơi khu vườn trong mơ của mình. Với chi phí nguyên vật liệu chỉ hơn 10.000 NDT (hơn 35 triệu đồng), ông đã tạo nên một kiệt tác xanh – được tạp chí Better Homes & Gardens (Mỹ) gọi là “khu vườn tư nhân đẹp nhất Trung Quốc” vào năm 2011.
Hạt giống nảy mầm từ ký ức
Trương Đài Bắc sinh năm 1950 tại Vu Hồ, An Huy, Trung Quốc. Tuổi thơ của ông gắn liền với khu vườn nhỏ của ông nội – người sáng lập hiệu thuốc Trương Hằng Xuân có lịch sử hơn 200 năm.
“Tôi lớn lên trong khu vườn của ông nội, nên trong tim tôi cũng đã có một hạt giống nảy mầm. Tôi luôn mong muốn có một nơi mà tôi có thể sống chậm lại và hòa mình với thiên nhiên. ”


Với mục tiêu đó, sau hơn 7 năm tìm kiếm, năm 2002, Trương Đài Bắc phát hiện một khu đất bỏ hoang từng là nhà kính ở ngoại ô phía đông Mã An Sơn. Ông thuê mảnh đất trong 50 năm và biến nơi này thành nơi nghỉ dưỡng của mình khi về hưu. Đây cũng là quyết định thay đổi cuộc đời nhiếp ảnh gia này.
Ông quyết định chọn mảnh đất này là điểm “dừng chân” vì nơi này có ba cây cổ thụ hơn trăm tuổi xếp thành hình chữ V, toả bóng mát giữa cái nắng gay gắt mùa hè. Cũng từ đó, mảnh đất này được ông cải tạo thành vườn và đặt tên là “Tam Mộc Thụ Trang Viên”.

Theo chia sẻ, ông Trương xây dựng khu vườn theo địa hình dốc tự nhiên, chia thành 5 tầng với độ cao chênh lệch 15 m. Vật liệu xây dựng chủ yếu là đá vụn, quặng bỏ, gạch xanh cũ từ ngôi làng lân cận, gỗ từ giường tầng hỏng – tổng chi phí chỉ khoảng 10.000 NDT.
Sau 16 năm tự tay thiết kế và thi công “công trình”, hiện “Tam Mộc Thụ Trang Viên” có hơn 1.000 loài thực vật, nổi bật là hoa giấy – loài hoa nhiệt đới mà ông Trương đặc biệt yêu thích. Từ bốn chậu hoa giấy nhỏ mang từ Vân Nam về, ông Trương đã trồng và mở rộng một nhà kính riêng biệt để bảo vệ chúng qua mùa đông khắc nghiệt.

Ngoài hoa giấy, khu vườn của ông Trương còn là thiên đường của cẩm tú cầu (với hàng trăm cây), hoa lan tháng Hai, mộc lan, tử vi, oải hương... Mỗi mùa khu vườn này đều mang một diện mạo khác nhau: xuân rực rỡ, hè rợp mát, thu vàng và đông tuyết trắng.
Ông Trương chia sẻ “Tam Mộc Thụ Trang Viên” không chỉ có thực vật, đây còn là mái nhà của hai con ngựa, bảy con mèo, hai con chó, vài con công và cả thiên nga đen. Mỗi sáng, công bay từ cành cao xuống bãi cỏ, múa vũ điệu thanh xuân tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và bình yên.


Một khu vườn mới, một cuộc đời mới
Sống hòa mình với thiên nhiên giúp ông Trương Đài Bắc nhận thức rõ hơn về con người của mình. Được ngắm nhìn những loài cây này chậm rãi lớn lên cũng trở thành thú vui cuối đời của ông. Ở đây trong nhiều năm, người đàn ông này đã dần hình thành thói quen sống theo nhịp sinh học tự nhiên.
Cứ thế, mỗi sáng ông Trương thức dậy lúc 5 giờ sau đó nhổ cỏ, cắt tỉa cây, rồi dạo chơi cùng cháu gái, chăm sóc công và thiên nga. Buổi chiều, cả nhà ông quây quần dưới gốc cây cổ thụ, uống trà và trò chuyện.

Ông Trương cho biết: “Cắt cỏ cũng là một thú vui – một kiểu thiền định nhẹ nhàng. Một bên là cao nguyên khô cằn rộng hàng ngàn mẫu, một bên là khu vườn dịu dàng như nước. Giữa hai thế giới đó, tôi tìm thấy chính mình”. Ông gọi đó là “lối sống gắn bó với thiên nhiên” – một phần không thể tách rời cuộc đời ông.

Cùng với tình yêu với cây cỏ, Trương Đài Bắc cũng từng là một nhiếp ảnh gia kỳ cựu. Suốt hàng chục năm, ông đi khắp cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, để chụp ảnh. Giờ đây, ở tuổi 68, ông không còn theo đuổi sự hoàn hảo mà thay vào đó chấp nhận mọi thứ theo cách tự nhiên nhất.
“Tôi yêu khu vườn vào lúc hoa nở rực rỡ cũng như khi lá rơi xơ xác. Vì khu vườn – cũng như cuộc đời – đẹp nhất khi ta chấp nhận nó ở mọi hình thái”, ông Trương cho biết.
(Theo Zhihu)