Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024

Admin
Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện của tương lai mà đã trở thành động lực chính cho sự phát triển của kinh tế - xã hội toàn cầu.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất - kinh doanh đến giáo dục, y tế, nông nghiệp... Trước sự thông minh và tính ứng dụng ngày càng cao của AI, nhiều công ty công nghệ trên thế giới và Việt Nam bắt đầu chú trọng đầu tư, nghiên cứu, phát triển, tạo nên cuộc đua gay cấn.

Google mất dần vị thế bởi AI

Trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin, các nền tảng AI thế hệ mới như Perplexity AI, ChatGPT Search đang đe dọa vị trí thống lĩnh lâu năm của Google nhờ khả năng cung cấp câu trả lời sâu sắc, phù hợp với ngữ cảnh hơn.

Meta - công ty mẹ của Facebook - cũng xây dựng công cụ tìm kiếm thông tin bằng AI riêng của mình.

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024- Ảnh 1.

AI đang dần chiếm lấy thị phần trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin của Google

Thậm chí, các chatbot AI không thể tìm kiếm trên internet thì giờ đây cũng đang chứng minh khả năng giải quyết ngày càng nhiều câu hỏi phức tạp, đủ sức thay thế Google. Những chatbot hay dịch vụ AI này cũng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết khi Microsoft và Apple tích hợp chúng trực tiếp vào hệ điều hành của tất cả các thiết bị mà họ sản xuất hoặc hỗ trợ.

Năm 2025, eMarketer dự đoán thị phần quảng cáo tìm kiếm của Google tại Mỹ lần đầu tiên sau nhiều năm sẽ giảm xuống dưới 50%. Trước nguy cơ đó, Google tiếp tục củng cố vị thế trong thị trường AI bằng các mô hình như Gemini Advanced, Gemini 1.5 Pro và Gemini 2.0. Tuy nhiên, GS Melissa Schilling, Đại học New York, nhận xét những phiên bản AI này của Google đang trở thành quả bom "xịt".

DeepSeek-R1 cạnh tranh với mô hình o1 của OpenAI

Open AI đã trình làng hàng loại bản cải tiến như với GPT-4, GPT-4o, đặc biệt là o1 và o3, o3 mini. Trong đó, o1 đã gây ấn tượng mạnh khi đạt tỉ lệ thành công 90%-100% trong bài kiểm tra tuyển dụng kỹ sư lập trình của chính công ty.

Đáng chú ý, theo thước đo ARC-AGI, o3 xử lý tốt hơn gấp 3 lần trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức tạp và trả lời câu hỏi. Mô hình o3 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển AI của OpenAI, kỳ vọng đưa khả năng suy luận và xử lý tác vụ của AI lên tầm cao mới.

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024- Ảnh 2.

Mô hình AI của OpenAI ngày càng thông minh hơn

Không đứng ngoài cuộc đua, các công ty Trung Quốc đang phát triển mô hình LLM mã nguồn mở, nơi nhà phát triển có thể tải xuống và tùy chỉnh cá nhân hóa miễn phí mà không cần cấp phép từ nhà sáng chế.

Trên nền tảng Hugging Face, kho lưu trữ mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình AI có tên Qwen - được tạo bởi Alibaba của Trung Quốc được tải xuống nhiều nhất.

Gần đây, công ty khởi nghiệp DeepSeek cũng gây được sự chú ý khi ra mắt mô hình có tên DeepSeek-R1. Công ty cho biết mô hình R1 có thể cạnh tranh trực tiếp với mô hình o1 của OpenAI.

Cuộc đua tạo video bằng AI

Năm qua, hàng loạt công ty đã tung ra công cụ biến văn bản hoặc hình ảnh đầu vào thành video ngắn. Mở màn là vào tháng 2-2024, OpenAI công bố công cụ Sora.

Đến giữa tháng 5-2024, Google ra mắt phần mềm AI có tên Veo với khả năng tạo video 1080p dài hơn 1 phút.

Tháng 7-2024, Runway, công ty dựng kỹ xảo AI cho phim đoạt giải Oscar "Everything Everywhere All At Once", công bố mô hình tạo video từ văn bản và nhanh chóng gây sốt trên mạng.

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024- Ảnh 3.

Video do Sora của OpenAI tạo ra

Tháng 10-2024, Meta công bố mô hình AI mang tên Movie Gen tạo video và âm thanh từ văn bản. Cùng với đó, Adobe đã tích hợp công cụ AI vào tính năng Firefly trên bản Premiere Pro, cho phép tạo video từ văn bản hoặc mở rộng nội dung từ video có sẵn.

Đến nay, ngoài Sora được thương mại hóa vào đầu tháng 12-2024, hầu hết các mô hình khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Người dùng chưa đánh giá cao chất lượng video được tạo bởi AI do chuyển động chưa mượt mà.

Tiềm năng AI phát triển mạnh tại Việt Nam

Tháng 4-2024, Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia, đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy AI (AI Factory) cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI.

Đến tháng 12-2024, Chính phủ Việt Nam và Nvidia hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, Trung tâm dữ liệu AI.

Nhìn lại những đột phá của công nghệ AI trong năm 2024- Ảnh 4.

Nhà máy AI của FPT chính thức cung cấp dịch vụ, được trang bị hàng ngàn siêu chip GPU.

Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, từ đó, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt; đồng thời, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng AI nhờ có nguồn nhân lực trẻ, năng động, am hiểu công nghệ và xác định AI là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia.