Theo dược sĩ Nguyễn Thiên Dung – Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y dược Tp.Hồ Chí Minh, các thuốc điều trị các triệu chứng cấp tính bao gồm:
Thuốc tiêu hóa
Tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, ăn không tiêu là những triệu chứng thường gặp do sự thay đổi về thói quen ăn uống trong ngày Tết. Một số thuốc có thể điều trị các triệu chứng đường tiêu hóa thường gặp bao gồm:
Thuốc điều trị tiêu chảy: Diosmectite (Smecta), loperamide (Imodium), attapulgite (Actapulgite), berberine (Berberine, Berberal). Các thuốc này chống tiêu chảy với nhiều cơ chế khác nhau như bám dính và hấp phụ các tác nhân gây hại, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc tiêu hóa, kháng khuẩn hoặc giảm nhu động ruột. Có thể uống thuốc khi có triệu chứng, liều dùng tùy thuộc vào từng loại chế phẩm khác nhau.
Các thuốc này thường được bào chế ở dạng bột, khi sử dụng pha với nước thành hỗn dịch trước khi uống. Cần lưu ý bù nước và chất điện giải khi tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Khi người bệnh có những triệu chứng của nhiễm trùng như lơ mơ, sốt, tiêu phân nhầy hoặc có lẫn máu, cần đi đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
Thuốc điều trị táo bón: Những món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét thường giàu tinh bột, chất béo và thiếu chất xơ, có thể gây táo bón.
Để hạn chế tình trạng này, có thể uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn để kích thích nhu động ruột, tăng khối lượng của phân giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Nếu triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, có thể dùng một số thuốc như sorbitol, lactulose (Duphalac, Laevolac).
Các chế phẩm này thường ở dạng bột hoặc hỗn dịch, khi sử dụng pha trong nước và uống khi đói.
Thuốc điều trị đau dạ dày: Một số thuốc kháng acid phổ biến trên thị trường có thể sử dụng gồm có Kremil-S, Siloxogene, Gastropulgite, Konimag, Trimafort, Gaviscon... Thuốc có công dụng trung hòa acid dịch vị dư thừa để làm giảm độ acid trong dạ dày, giảm các triệu chứng loét dạ dày – tá tràng, ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày – thực quản.
Thuốc nên được uống sau bữa ăn. Đối với dạng hỗn dịch, có thể uống trực tiếp hoặc pha loãng vào nước trước khi uống. Đối với dạng viên nén, nhai kỹ viên trước khi uống.
Thuốc hỗ trợ tiêu hóa: Việc thay đổi thói quen ăn uống ngày Tết như thay đổi thời gian, ăn quá nhiều chất đạm và dầu mỡ và sử dụng rượu bia có thể gây nên tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Men tiêu hóa như pancreatin, alpha amylase, papain và thuốc làm giảm bọt khí ở đường tiêu hóa như simeticone ở dạng đơn thành phần hoặc phối hợp có công dụng kích thích tiêu hóa, điều trị các triệu chứng ăn không ngon, khó tiêu, tức bụng và đầy hơi. Một số chế phẩm thường gặp gồm có Grazyme, Enterpass…
Thuốc giảm đau, hạ sốt, điều trị triệu chứng cảm cúm
Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol (Panadol, Tatanol, Efferalgan, Hapacol…) là thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến nhất được sử dụng với nhiều dạng bào chế khác nhau: viên nén, viên sủi, viên đặt hậu môn, siro.
Thuốc nên được dùng khi có triệu chứng, liều 325 – 650 mg cách nhau ít nhất 4 giờ, liều tối đa 4 g/ngày đối với người có chức năng gan bình thường, 3 g/ngày đối với bệnh nhân có chức năng gan suy giảm.
Đối với trẻ em, có thể dùng paracetamol dạng thuốc đặt hậu môn hoặc siro. Một số thuốc kháng viêm không steroid không kê đơn có thể sử dụng gồm có ibuprofen, aspirin, tuy nhiên cần lưu ý hạn chế sử dụng trên bệnh nhân có bệnh nền tim mạch hoặc suy thận mạn.
Thuốc chống dị ứng: Kháng histamin H1, cetirizine (Zyrtec), levocetirizine (Xyzal), loratadine (Lorastad, Clarityne), desloratadine (Aerius), fexofenadine (Telfast BD, Telfast HD), điều trị triệu chứng chảy mũi, mề đay, dị ứng với thức ăn, thời tiết.
Các thuốc này có thể có tác dụng phụ gây buồn ngủ, do đó cần lưu ý khi lái xe và sử dụng máy móc.
Thuốc dạng phối hợp: Một số chế phẩm thường gặp bao gồm Tiffy và Decolgen, phối hợp nhiều hoạt chất để điều trị các triệu chứng thường gặp của cảm, sốt thông thường như viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu và sốt.
Cần lưu ý những chế phẩm này thường có sẵn hoạt chất paracetamol, do đó cần phải chú ý hàm lượng khi phối hợp những thuốc này với các thuốc giảm đau hạ sốt khác chứa paracetamol để tránh quá liều.
Về vật dụng sơ cứu vết thương, theo dược sĩ Nguyễn Thiên Dung mỗi gia đình nên có sẵn một số vật dụng sơ cứu vết thương bao gồm băng cá nhân, gạc vô trùng và kéo. Các dung dịch để rửa và sát trùng vết thương có thể mua sẵn gồm có povidon iod (Povidine, Betadine), oxy già và cồn 70 độ.
Ngoài ra, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp cần chú ý theo dõi đường huyết, huyết áp và tuân thủ chế độ dùng thuốc đúng liều lượng, đúng giờ như ngày thường.
"Người bệnh cần dự trữ sẵn một số lượng thuốc đủ dùng cho các ngày nghỉ Tết phòng trường hợp các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc chưa hoạt động trở lại", dược sĩ Dung chia sẻ.