Nỗi niềm của người lương 30 triệu/ tháng: Không thấp để bỏ về quê nhưng không đủ cao để làm điều này!

Admin
Với nhiều người, kiếm được lương 30 triệu/tháng không đủ để họ có sự yên tâm khi sống ở thành phố lớn.
Nỗi niềm của người lương 30 triệu/ tháng: Không thấp để bỏ về quê nhưng không đủ cao để làm điều này!- Ảnh 1.

“Mình là dân tỉnh lẻ. Trước khi lên thành phố học, mình từng nghĩ 30 triệu là một mức lương rất cao. Thời còn là sinh viên, mình nghĩ chỉ cần kiếm được lương 30 triệu/tháng là đủ để bám trụ ở Hà Nội. Nhưng sau vài năm đi làm, mình thấy đây là mức lương rất lỡ nhàng. 30 triệu/tháng không thấp để mình phải rời bỏ thành phố, nhưng cũng không cao để mình có cuộc sống tiện nghi”, Minh Huy (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Minh Huy đang làm việc tại một công ty công nghệ, nhận được mức lương trung bình 30-40 triệu/tháng. Với tổng thu nhập này, anh vẫn cho rằng ước mơ mua được nhà còn xa vời, vì bản thân không có được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.

“Mình đang mông lung với công việc cá nhân. Mình muốn rời khỏi ngành để tìm công việc khác ổn định và có thu nhập cao hơn. Nhưng mình không có một định hướng mới”, anh nói.

Mông lung với lương 30 triệu/tháng

Huy tính toán, anh đang có khoản tiết kiệm khoảng 500 triệu nhưng loay hoay với bài toán mua nhà. Bởi số tiền đó không đủ để anh dám mua một căn hộ với giá 2,5 tỷ (trả trước 700 triệu, trả góp 70% còn lại).

Nhiều người cho rằng hiện nay người trẻ có thể mua nhà dễ dàng hơn so với thế hệ trước do nhận được nhiều hỗ trợ, đặc biệt là với câu chuyện vay vốn ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, Huy không cho rằng điều này là đúng . “Việc vay vốn để mua nhà không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là với người có thu nhập không quá thấp hoặc không đủ tiêu chuẩn để vay vốn từ các tổ chức tín dụng”, Huy cho hay.

Nỗi niềm của người lương 30 triệu/ tháng: Không thấp để bỏ về quê nhưng không đủ cao để làm điều này!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chưa tìm thấy cơ hội mua được nhà nên Huy thấy tương lai bất định khi nghĩ đến chuyện ở thuê cả đời. Hàng tháng, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt thì Huy có thể tiết kiệm được 15 triệu. Đây là một số tiền không lớn, đặc biệt là khi so với tốc độ tăng giá bất động sản như hiện nay.

“Mình nghĩ, giờ không thiếu bạn trẻ có thể tự mua được nhà nhờ năng lực cao, chăm chỉ kiếm tiền hoặc buôn bán kinh doanh. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải có năng lực và cả sự may mắn nữa” , Huy nói.

Một trường hợp khác, Ngọc Liên (30 tuổi, Hà Nội) cho hay dù kiếm được mức lương 30 triệu/tháng, thỉnh thoảng có phần gia tăng thu nhập từ việc nhận thêm dự án bên ngoài, nhưng cô vẫn thấy khó hài lòng với cuộc sống của mình.

Cô nàng cho hay: “Đi làm vài chục năm mới nhận ra, kiếm được 30 triệu/tháng là mức lương bình thường. Với đồng lương này, mình rất khó để mua đứt nhà hay mua xe nếu không biết cách tiền đẻ ra tiền từ kinh doanh hoặc đầu tư. Dân làm công ăn lương như mình muốn có một chỗ ở thì phải có sẵn vốn ít nhất là 40-50% giá trị căn hộ và mỗi tháng để dư ra được 15-20 triệu thì chuyện mua được chỗ ở mới khả thi. Nếu cứ trông vào mức lương hiện tại thì làm sao mua được nhà, vì nhà ở xã hội giá 1-1,5 tỷ đồng thì mình không thuộc diện được mua rồi”.

Dù không ưng ý với mức lương hiện tại nhưng Ngọc Liên vẫn chưa tìm được cách để chuyển sang lĩnh vực khác. Ngọc Liên cho hay: “Công việc khá áp lực. Nhiều lúc bận rộn khiến mình không còn thời gian nghỉ ngơi và tìm hiểu con đường mới dành cho mình”.

Nỗi niềm của người lương 30 triệu/ tháng: Không thấp để bỏ về quê nhưng không đủ cao để làm điều này!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tìm được cách sống ổn cùng lương 30 triệu/tháng

Ngọc Liên chia sẻ, dù áp lực vì công việc và mức lương không mang lại cho bản thân đúng kỳ vọng nhưng cô vẫn còn những dự định tài chính cho tương lai. Cô nàng cho biết: “Hiện tại mình vẫn đang cố gắng tìm kiếm nguồn thu nhập phụ bên cạnh mức lương văn phòng. Mình nghĩ ở tuổi 30 kiếm được lương 30 triệu/tháng không phải là con số quá cao. Nhưng mình vẫn đang học cách hài lòng với cuộc sống.

Ở độ tuổi này mình biết bản thân muốn gì, có một khoản tiết kiệm nho nhỏ, có đủ tiền để mua được những thứ mình thích ở trong giới hạn tài chính. Và nếu tìm thấy đối tượng phù hợp để kết hôn thì việc mua được nhà và ổn định tài chính giữa thành phố lớn có lẽ sẽ dễ dàng hơn”.

Còn đối với Huy, anh cho rằng việc mua nhà có thể được xem là mục tiêu hoặc cột mốc quan trọng. Tuy nhiên giờ anh không còn quá áp lực phải mua được căn nhà ở thành phố lớn. Nếu mức tài chính chưa đủ, anh có thể đi thuê.

“Việc sở hữu một căn nhà chắc chắn sẽ đem lại cho mình nhiều an tâm, ổn định và cảm giác tự do hơn. Tuy nhiên, nhìn ngược lại là nếu đặt mục tiêu phải mua được nhà thì có thể tạo áp lực tài chính. Mình nghĩ với mức lương hiện tại mà không có biến động gia tăng thì mình khó sở hữu bất động sản cho riêng mình. Mình đã nghĩ đến chuyện sẽ đi thuê nhà, tích lũy tài chính và chuyển về quê sinh sống. Hiện tại thay vì đặt mục tiêu bắt buộc phải mua nhà, mình muốn dành tiền để đầu tư cho trải nghiệm và công việc hơn”, Huy bày tỏ.