Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược số hóa của FPT, đồng thời thể hiện cam kết thúc đẩy hiệu quả vận hành và phát triển bền vững của doanh nghiệp này.
Chữ ký số - Giải pháp công nghệ tiết kiệm tài nguyên
Theo thông tin từ chungta.vn (website nội bộ của FPT), quá trình triển khai chữ ký số tại FPT được đẩy mạnh từ ngày 12/10/2020 thông qua hệ thống FPT UService, bắt đầu với các tờ trình phê duyệt từ công ty thành viên lên tập đoàn.
Ngoài ra, FPT đã giới thiệu giải pháp FPT.eContract vào năm 2020 để số hóa quy trình ký kết hợp đồng. Đến nay, các nền tảng này đã được áp dụng rộng rãi trong nội bộ FPT, hỗ trợ số hóa nhiều loại tài liệu như hợp đồng và tờ trình.
Trước khi chữ ký số trở nên phổ biến, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng tài liệu giấy trong các quy trình phê duyệt.
Với quy mô nhân sự hơn 80.000 nhân viên, chữ ký số là một trong số giải pháp hữu hiệu giúp FPT tiết kiệm tài nguyên, hướng tới mô hình "văn phòng không giấy" mà doanh nghiệp đã đề cập trong các mô tả về dịch vụ của mình.
Mô hình văn phòng không giấy là hình thức làm việc hiện đại sử dụng các tài liệu chủ yếu bằng kỹ thuật số thay cho tài liệu giấy, vận hành nhờ hệ thống quản lý tài liệu điện tử cùng hệ thống lưu trữ đám mây.
Theo giới thiệu của FPT-IS, "văn phòng không giấy" mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, tiết kiệm diện tích làm việc, nâng cao hiệu suất công việc, gia tăng hiệu quả quản lý thông tin và dữ liệu, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch FPT tham dự phiên đối thoại các bộ trưởng tại Diễn đàn doanh nghiệp Singapore năm 2023 (Ảnh: FPT)
Tiết kiệm giấy giúp giảm phát thải CO2 thế nào?
Grok 3, chatbot AI do công ty xAI của tỷ phú Elon Musk phát triển, đã thử đưa ra ước tính về số lượng giấy mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhờ vào giải pháp số hóa.
Một nghiên cứu của Hiệp hội Quản lý thông tin thông minh (AIIM) có trụ sở tại Mỹ cho thấy một doanh nghiệp với 1.000 nhân viên có thể tiêu thụ 500.000-1.000.000 tờ giấy/năm trước khi số hóa hoàn toàn, tương đương 2-4 tờ giấy/ngày/nhân viên cho các quy trình nội bộ.
Chatbot này đưa ra giả thuyết dựa trên tham chiếu từ thực tế ngành, nếu mỗi nhân viên "tương tác" với tối thiểu 5 tờ giấy mỗi ngày trước khi số hóa, thì một doanh nghiệp quy mô khoảng 80.000 người, với hàng nghìn văn bản cần xử lý hàng ngày, có khả năng tiết kiệm lên đến 100 triệu tờ giấy mỗi năm (200.000 ram giấy A4) nhờ vào các quy trình chuyển đổi số.
Việc giảm sử dụng giấy mang lại lợi ích môi trường có thể tính toán thông qua lượng giảm phát thải CO2. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), có trụ sở tại Washington, Mỹ, việc sản xuất 1 tấn giấy phát thải khoảng 0,9 tấn CO2 tương đương (CO2e).
Với 200.000 ram giấy A4 (tương đương 500 tấn giấy) tiết kiệm được thì lượng giảm phát thải có thể đạt mức 450 tấn CO2e mỗi năm - theo tính toán của Grok 3. Con số này chưa bao gồm các yếu tố có thể được tiết kiệm khác như vận chuyển hay năng lượng máy in.
Để dễ hình dung, 450 tấn CO2e tương đương với khả năng hấp thụ CO2 của gần 20.500 cây xanh trong một năm, hay khoảng 1,9 triệu km lái xe ô tô (khoảng 47 vòng quanh xích đạo Trái đất).
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT, là một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và thường xuyên chia sẻ tầm nhìn về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Tại Diễn đàn Kinh doanh Khu vực Singapore 2023, ông Bình cho rằng chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là nền tảng để các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động và tạo ra giá trị mới.
Ông khẳng định "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phải đi đôi với nhau", dẫn chứng bằng các "ứng dụng xanh" (green apps) do FPT và đối tác phát triển, như iChangi hay Kris+ của Singapore Airlines, giúp giảm giấy tờ và tối ưu hóa vận hành, góp phần vào mục tiêu bền vững.
Ông Trương Gia Bình thường kết nối chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như một chiến lược "kép" (dual transformation), giúp doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả hoạt động vừa đóng góp vào mục tiêu bền vững toàn cầu.