Nhắc tới những điểm tham quan, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng ở Việt Nam, không thể không nhắc tới những ngôi đền, ngôi chùa. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 18.000 ngôi chùa lớn nhỏ, trải dọc 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó có những ngôi chùa mang nét kiến trúc rất đặc biệt, gây ấn tượng không chỉ với du khách nước ngoài mà còn với du khách trong nước.
Ngôi chùa sau đây là một ví dụ như thế, nằm ngay tại thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, du khách tới đây phải trầm trồ nhận xét rằng, khung cảnh không khác gì những ngôi chùa ở nước ngoài. Đây là chùa Long Quang, thuộc địa phận thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Vực.

Ảnh Tạp chí Nghiên cứu Phật Học
"Lạc vào giữa vùng Nam Á ngay ở thủ đô"
"Mê kiến trúc ở đây quá, cảm giác như đi lạc vào giữa vùng Nam Á ngay tại thủ đô", du khách có tài khoản Trang Tit chia sẻ trên trang cá nhân. "Ngôi chùa đẹp và độc đáo, kiến trúc khác biệt như bước ra từ những thước phim ở Tây Tạng vậy", một du khách khác tên Đăng Nam nói thêm.
Sở dĩ được nhận xét có khung cảnh như nước ngoài là bởi chùa Long Quang theo trường phái Mật tông Kim cường thừa, thiết kế với nhiều sắc màu rực rỡ với nhiều chi tiết được trạm trổ cầu kỳ. Đây cũng chính là điểm chung của những ngôi chùa ở Nepal, Bhutan hay Tây Tạng.


Du khách nhận xét về chùa Long Quang (Ảnh Trang Tit)
Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tính đến nay chùa có tuổi đời hơn 600 năm. Để có được vẻ khang trang như hiện tại, chùa đã trải qua nhiều đợt cải tạo, sửa chữa. Sau lần trùng tu gần nhất vào năm 2011, hiện nay chùa nằm trên diện tích 7000m2, hướng nhìn ra ngã ba sông Tô Lịch.
Ngoài khuôn viên rộng lớn với hồ sen, các tiểu cảnh hay cây xanh, cây ăn quả nhà chùa tự trồng, khu vực chùa chính bao gồm 2 tầng. Toàn bộ tường và trần nhà, hay cả những lối đi dọc hành lang, cầu thang, lan can đều được thiết kế với 3 màu chính là đỏ - cam và trắng, đan xen là những bức tranh vẽ, điêu khắc tỉ mỉ. Chia sẻ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa giải thích kiến trúc chùa là kiến trúc mandala - tức là vòng tròn - trung tâm của tinh tuý, cốt lõi và cuộc sống.





Một số hình ảnh trong và bên ngoài khu vực lễ chính của chùa Long Quang (Ảnh Nguyen Nguyen, Nguyen Thom)
Dễ dàng nhận thấy rất nhiều vòng tròn xuất hiện ở khu vực trần nhà hay những chi tiết trang trí nhỏ. Những hình tròn này đều mang sắc màu rực rỡ và chứa đựng thông điệp, ý nghĩa riêng, nói về cuộc sống, con người, đạo Phật...
Nếu đi từ phía ngoài đường Kim Giang, hay đứng ở tầng cao của những toà nhà cao tầng gần đó, du khách còn có thể nhìn thấy bảo tháp bề thế. Đây cũng là điểm nhấn đặc sắc của chùa Long Quang. Bảo tháp có phần thân được trạm trổ cầu kỳ, trên cùng là đỉnh tháp với bên trong là tượng Phật ngồi, xung quanh là những dải cờ ngũ sắc bay trong gió.
Hình ảnh dải cờ ngũ sắc bay trong gió, bao quanh bảo tháp uy nghi, càng khiến du khách ấn tượng và liên tưởng nhiều hơn về những ngôi chùa ở đất nước nào đó thuộc khu vực Nam Á.


Bảo tháp cùng những dải cờ ngũ sắc ở chùa Long Quang, gợi liên tưởng tới những ngôi chùa ở Bhutan, Nepal (Ảnh Luckynhim, vuhaiha)
Trải nghiệm gì ở chùa Long Quang?
Tại Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung, hiện có rất ít những ngôi chùa như chùa Long Quang. Vì vậy khi những thước phim hay hình ảnh về ngôi chùa xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều du khách đã tò mò và tìm đến đây.
Chùa mở cửa miễn phí với du khách thập phương, trong khung giờ sáng từ 6h30 đến 11h30, và khung giờ chiều từ 13h30 đến 17h30. Du khách tới đây có thể vãn cảnh, thăm quan, trò chuyện với các sư thầy. Có thể chụp ảnh làm kỷ niệm nhưng cần hạn chế ở khu vực nhà tổ hay các không gian lễ chính, để tránh mất đi sự uy nghiêm, tĩnh mịch của chùa.
Ngoài ra vào những dịp đặc biệt như ngày Rằm, ngày mồng Một đầu tháng... du khách còn có thể xin các sư thầy tham gia vào các nghi thức làm lễ tại chùa. Giống như du khách Đăng Nam chia sẻ, anh đến chùa đúng ngày chùa làm lễ Hoả Tịnh - một lễ cúng để cầu bình an, nên đã xin để được tham gia. Anh còn được trò chuyện, nghe các Phật tử tại đây chia sẻ về ý nghĩa của nghi lễ này.


Ảnh Đăng Nam Travel Blog
Có thể thấy, du lịch tại những điểm đến như những ngôi đền, ngôi chùa, giờ đây không chỉ giúp du khách mở mang tầm mắt bằng nét kiến trúc độc đáo, mà còn để biết thêm về nhiều nền văn hoá, tín ngưỡng thú vị.