Ra mắt hai bộ sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/04/2024); Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 – 07/05/2024); Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ giới thiệu bộ sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” với chủ đề “Tỏa sáng ngàn năm văn hóa Việt”.

1-1713588109.jpg
GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đang chia sẻ tại chương trình

Buổi lễ giới thiệu sách diễn ra ngày 19/4 tại Sân khấu chính Công xã Paris, quận 1, TPHCM, với khách mời là : GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Nhà văn Quách Lê Anh Khang.

Cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” được hình thành từ ý tưởng với mong muốn đem đến cho độc giả cơ hội được “thưởng lãm” những báu vật trên khắp đất nước ta, từ đó có được những hiểu biết một cách hệ thống, xuyên suốt, sâu sắc về 265 bảo vật của đất nước, góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị vô cùng quý giá của nghìn năm văn hiến qua những bảo vật này. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization.

44-1713588110.jpg

Với 265 bảo vật quốc gia được trình bày trong cuốn sách là những bảo vật hết sức đặc biệt, là những “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, hiện đang được lưu giữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo quản, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật.

Được xuất bản bằng hai ngôn ngữ - tiếng Việt và tiếng Anh, cuốn sách sẽ đưa bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cuốn sách giới thiệu, về các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn nhất, nhưng cũng đủ để bạn đọc có cái nhìn cơ bản, khái quát về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật. Kèm theo những thông tin cô đọng đó là hình ảnh sắc nét của từng bảo vật.

3-1713586324.jpg

Về phần tác phẩm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” sẽ giúp độc giả hiểu sâu hơn về nguồn gốc lịch sử, ý nghĩa, giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ nhiều góc độ, cũng như việc khai thác, phát huy các giá trị của loại hình tín ngưỡng này ở trong và ngoài nước hiện nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa, mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, nếu như các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác có nhiều thay đổi, thì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những giá trị đặc trưng độc đáo vẫn được bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

11-1713586324.jpg

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại TP.HCM 

Trong không khí hân hoan, rộn ràng cả nước chào mừng “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ 3 năm 2024, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15/4/2024 đến ngày 01/5/2024, với thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc"; "Sách quý tặng bạn"; "Tặng sách hay - Mua sách thật"; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe".

22-1713588110.jpg

Thanh Hương

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/ra-mat-hai-bo-sach-ngan-nam-van-hien-quoc-gia-viet-nam-va-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-o-viet-nam-a17760.html