Chỉ thuê nhà dưới 3 triệu/tháng để sớm mua được nhà riêng: Muốn tiết kiệm thì phải chấp nhận sống không thoải mái

Nhiều người trẻ chấp nhận tiết kiệm hết mức chi phí cho nhà thuê.

Sẽ thật tốt nếu những người trẻ có sẵn nhà ở thành phố lớn. Tuy nhiên, với những người đi làm xa quê thì thuê nhà ở là một trong nhiều chi phí mà họ cần tính toán vì có thể chiếm con số lớn trong tiền lương hàng tháng.

Có người không ngần ngại thuê lớn để sống thoải mái, nhưng cũng có bạn trẻ chỉ chấp nhận dành một khoản nhỏ cho không gian sống. Vì với họ, nhà thuê không phải là nhà của mình, do đó càng tiết kiệm tiền cho nhà thuê thì càng dư dả tiền bạc cho các dự định khác.

Muốn tiết kiệm thì phải chấp nhận sống không thoải mái

Tùng Trung (SN 1993, nhân viên văn phòng) đã mua được nhà vào năm 2021. Tùng Trung tự mua căn nhà 55m2 giá 2 tỷ đồng, và đây là tài sản của anh trước khi kết hôn. Anh chàng mua được nhà với khoản tiền do bản thân nỗ lực tạo ra sau nhiều năm đi làm, kết hợp với một phần vay mượn trả lãi theo ngân hàng từ người thân và bạn bè.

Để mua được nhà thì bên cạnh nỗ lực làm việc, Tùng Trung còn duy trì tiết kiệm trong suốt nhiều năm. Trong số đó, chi phí dành cho nhà ở là một khoản anh chấp nhận tiết kiệm, luôn giữ ở mức dưới 20% thu nhập trong suốt nhiều năm.

Tùng Trung chia sẻ: “Thời điểm 2 năm sau khi vừa đi làm, mình đã kiếm được lương văn phòng 15 triệu. Nhưng mình chỉ ở phòng 2 triệu thôi. Mình tìm phòng ở khu vực trung tâm Hà Nội, gần chỗ làm nhưng chỉ rộng hơn 10m2. Phòng chung chủ nên sinh hoạt khá bất tiện, nhưng được cái giá rẻ.

Trước khi mua được nhà, mình chỉ dành 10-15% thu nhập cho nhà thuê, cùng lắm là 20%. Ví dụ bạn kiếm được lương 20 triệu thì chỉ nên dành cỡ 2-2,5 triệu đồng thuê nhà, tốt nhất là 3,5 triệu trở xuống”.

Tùng Trung chia sẻ rằng khi chưa có nhà thì thuê ở đâu cũng không quan trọng, miễn là phòng có mức giá rẻ, cho tự nấu ăn và đảm bảo an ninh. Anh chàng chia sẻ để nhanh chóng tự mua được nhà, anh tập trung tối đa cho công việc và duy trì tiết kiệm. Nếu muốn nhanh chóng gia tăng quỹ tiết kiệm thì bạn phải chấp nhận sống bớt thoải mái, và ngược lại. Khi đã mua được nhà, bản thân mới càng tập trung được nhiều hơn cho công việc, dễ dàng phát triển sự nghiệp và thu nhập ngày càng cao hơn.

Chỉ thuê nhà dưới 3 triệu/tháng để sớm mua được nhà riêng: Muốn tiết kiệm thì phải chấp nhận sống không thoải mái- Ảnh 1.

Tùng Trung quan niệm: Khi chưa mua được nhà thì chỉ nên dành tối đa 20% lương cho nhà thê (Ảnh minh họa)

Cũng giống như Tùng Trung, Hoàng Yến (SN 2000, Hà Nội) cũng chọn giảm bớt chi phí cho nhà ở, ưu tiên cho tiết kiệm để sớm hoàn thành các mục tiêu tài chính. Sau hơn 2 năm, cô đã có khoản tiết kiệm hơn 200 triệu đồng tích lũy từ thu nhập hàng tháng là khoảng 13 triệu và tiền thưởng cuối năm.

Hoàng Yến chia sẻ, nhiều người từng bảo cô thay vì tiết kiệm thì sao không lo học hành để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, cô cho rằng không phải ai cũng dễ dàng tăng thu nhập, vì còn tùy thuộc vào khả năng cá nhân. Nếu lương không tăng thì cô chỉ đành chọn cách sống tiết kiệm hơn.

Cô nàng chia sẻ: “Mình chỉ ở trọ 2 triệu/tháng. Ai nói sống bất tiện thì cũng mặc kệ. Mình thấy thoải mái với tài chính của mình là được rồi. Mục tiêu của mình hiện tại là chỉ dành 10% lương cho nhà ở. Một căn nhà to với mình là không cần thiết vì phần lớn thời gian trong ngày đã dành đi làm rồi. Có thể cách tiết kiệm của mình hơi buồn với nhiều người. Nhưng muốn cái này thì bạn phải đánh đổi cái kia, miễn là bạn thấy phù hợp với trường hợp cá nhân”.

Được biết, hàng tháng Hoàng Yến chỉ chi 6-7 triệu cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu thì gửi về cho gia đình hoặc tiết kiệm riêng. “Mình dành 2 triệu cho nhà ở, 2 triệu cho ăn uống (mình tự nấu ăn, không ăn ngoài và ăn đồ ăn cha mẹ gửi lên). Tiếp đến mình dành 500 ngàn cho mua sắm cá nhân, 500 ngàn cho cưới hỏi và sinh nhật bạn bè, còn lại bao nhiêu là chi phí xăng xe và học tập”, cô cho hay.

Trần Thảo An (SN 1998, Hà Nội) đang thuê phòng 15m2 với giá thuê 2,7 triệu/tháng/người. Cô bạn chia sẻ muốn ở thoải mái thì không thể tiết kiệm, còn tiết kiệm thì lấy đâu được thoải mái. Tuy nhiên, nhìn chung cô vẫn hài lòng với căn phòng đi thuê hiện tại vì mức giá rẻ và điều kiện sống đảm bảo.

“Thật ra mình không quá để ý đến không gian sống. Vì mình luôn cho rằng tăng thu nhập là cách để làm giàu, nhưng mấu chốt vẫn là sống tiết kiệm.

Ngày trước, mình cũng từng thuê một căn phòng có gác xép, giá 3,5 triệu/tháng bao gồm cả điện nước. Lúc đó, mình chỉ muốn ở riêng, không ở chung với ai nên tốn kém rất nhiều. Khi đi làm, mình nhận ra bản thân có nhiều trách nhiệm hơn thì đã đi tìm căn phòng giá rẻ và chấp nhận ở ghép.

Mình nghĩ lương chưa cao thì bạn nên ở rẻ rẻ thôi, vì thực tế sau này căn phòng này cũng không phải của mình. Bạn càng đóng nhiều tiền cho nhà ở thì càng làm giàu cho chủ nhà, chứ không thể biến thành tài sản riêng của bạn được”, Thảo An cho hay.

Chỉ thuê nhà dưới 3 triệu/tháng để sớm mua được nhà riêng: Muốn tiết kiệm thì phải chấp nhận sống không thoải mái- Ảnh 2.

Thảo An chia sẻ lương chưa cao thì không nên thuê nhà đắt tiền vì sau này chúng cũng không phải tài sản của mình (Ảnh minh họa)

Có thể chấp nhận ở thuê cả đời?

Với một số người, cột mốc tài chính mua được nhà là động lực để làm việc và học hành. Tuy nhiên, trước thực tế là bất động sản quá cao so với thu nhập của số đông dân văn phòng, liệu họ có từ bỏ ước mơ mua nhà và chấp nhận ở thuê cả đời?

Trần Thảo An chia sẻ cách đây 2 năm, cô nàng phải tự chăm sóc cha mẹ ở bệnh viện suốt 3 tháng. Trải nghiệm này giúp cô nhận ra việc theo đuổi các mục tiêu tài chính nằm quá tầm với, chẳng hạn như tích lũy để mua nhà, có thể khiến bản thân kiệt sức. Thay vào đó, cô muốn tập trung tiền bạc vào những thứ mang lại dòng tiền ổn định và trải nghiệm đẹp hơn.

Thảo An chia sẻ: “Mình không còn đặt nặng mục tiêu mua nhà ở thành phố, mà muốn tích lũy tiền bạc và kiến thức để chuyển về quê làm việc. Thay vì áp lực chuyện mua nhà ở Hà Nội, mình muốn thực hiện những mục tiêu nhỏ hơn, chẳng hạn đưa bố mẹ đi ăn ngon, du lịch. Và mình vẫn đang cố gắng làm việc, dành dụm từ những khoản làm việc tự do để mở được một cửa hàng cho riêng mình”.

Còn về phía Thanh Trung, anh chia sẻ quan điểm không riêng thế hệ trẻ hiện nay, mà thế hệ già hơn hoặc thế hệ trẻ tiếp nối, đều sẽ mang áp lực nếu theo đuổi một bất động sản. Anh không muốn thuê nhà cả đời, vì thế đã tính toán chuyện mua nhà từ khi mới ra trường, sau đó lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cố gắng tuân thủ chúng.

Anh chàng chia sẻ thêm lời khuyên: “Bạn hãy cố gắng sống tiết kiệm và nếu có thể thì hãy thuê nhà nhỏ. Hầu như chúng ta đi làm giờ hành chính, tối về chỉ ngủ và sinh hoạt vài tiếng ở trọ nên việc đầu tư nhà cửa thuê là không quá cần thiết.

Nếu bạn có tầm trên 10 bộ quần áo để đi làm và ra ngoài thì nên ngưng mua. Ngoài ra, bạn nên đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng, nhận lương xong thì gửi tiết kiệm ngay. Nếu tháng trước mình lỡ phát sinh việc ngoài dự kiến, chi tiêu vượt ngoài thâm hụt thì những tháng sau cố gắng bù vào”.

Chỉ thuê nhà dưới 3 triệu/tháng để sớm mua được nhà riêng: Muốn tiết kiệm thì phải chấp nhận sống không thoải mái- Ảnh 3.

Tùng Trung mua được nhà sau nhiều năm thuê phòng giá 2 triệu/tháng/người

Còn về phía Hoàng Yến, cô bạn chia sẻ có nhà cửa luôn là mục tiêu trong cuộc sống của mình. Cô chưa bao giờ nghĩ sẽ thuê nhà cả đời, vì luôn có những rắc rối với chủ nhà có thể xảy ra. Một căn nhà thuê thì cũng không bao giờ có thể thoải mái như nhà của mình.

Cô bạn bày tỏ: “Ước mơ của mình là mua được đất, sau đó mua được nhà. Nếu đã có căn nhà đầu tiên rồi thì sẽ tiếp tục mua thêm nhà để cho thuê lại. Tất nhiên, mỗi người đều có mục tiêu sống riêng và có được nhà chưa chắc là hoàn toàn thành công. Tuy nhiên, với mình có bất động sản thì mới định cư được lâu dài và ổn định cuộc sống”.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/chi-thue-nha-duoi-3-trieuthang-de-som-mua-duoc-nha-rieng-muon-tiet-kiem-thi-phai-chap-nhan-song-khong-thoai-mai-a41919.html