Xuất hiện 2 đối thủ đang 'làm khó' dầu Nga tại thị trường châu Á: Một tự tin tăng giá bán vì nhu cầu quá lớn, một ông lớn không có gì ngoài dầu chào mời giá ngày càng rẻ

Cuộc cạnh tranh dầu giá rẻ ngày càng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt tại châu Á.

Xuất hiện 2 đối thủ đang 'làm khó' dầu Nga tại thị trường châu Á: Một tự tin tăng giá bán vì nhu cầu quá lớn, một ông lớn không có gì ngoài dầu chào mời giá ngày càng rẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng có thêm nhiều lựa chọn giá rẻ và an toàn hơn thay thế cho dầu Nga. Theo Oilprice, QatarEnergy của Qatar đã tăng giá hỗn hợp dầu thô al-Shaheen cho đợt giao hàng tháng 2, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với loại dầu này.

Trích dẫn các nguồn tin về định giá dầu của quốc gia này, một thùng dầu al-Shaheen trong tháng 2 sẽ có giá cao hơn 1,05 USD/thùng so với giá chuẩn của Dubai, đồng thời cao hơn 0,32 USD/thùng so với giá của dầu al-Shaheen kỳ hạn giao tháng 1/2025.

Các nguồn tin của Reuters cũng cho biết QatarEnergy đã bán 3 lô hàng al-Shaheen với giá cao hơn so với tiêu chuẩn Dubai, với con số cụ thể cho mỗi lô hàng dao động trong khoảng từ 0,90 đến 1,05 USD mỗi thùng.

Ở một diễn biến khác, ông trùm dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Arabia có động thái hoàn toàn trái ngược khi liên tục giảm giá đối với thị trường trọng điểm châu Á. Lần giảm giá mới nhất đã được báo cáo vào đầu tháng này, đối với các lô hàng giao vào tháng Giêng.

Aramco đã hạ giá bán chính thức cho hỗn hợp Arab Light hàng đầu của mình từ mức chênh lệch 1,70 USD so với mức trung bình của Oman/Dubai trong tháng này xuống mức chênh lệch 0,90 USD/thùng trong tháng 1. Dự báo quốc gia này sẽ tiếp tục hạ giá từ 0,70 đến 0,90 USD mỗi thùng.

Động thái này được thúc đẩy nhằm thu hút thị trường xuất khẩu dầu quan trọng của Saudi: Châu Á - vốn đang chứng kiến nhu cầu suy giảm. Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Á và dự kiến xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sang Trung Quốc trong tháng 1 sẽ đạt mức cao nhất trong 3 tháng do nhu cầu phục hồi.

Theo dữ liệu từ đối tác LSEG Oil Research của Reuters, nhập khẩu dầu vào châu Á trong 11 tháng đầu năm đạt trung bình 26,58 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn 310.000 thùng mỗi ngày so với lượng nhập khẩu một năm trước. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu giảm là một sự phát triển tự nhiên sau khi nhu cầu tăng vọt sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì đại dịch, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Về phía Nga, cũng theo dữ liệu từ Oilprice, tổng giá trị các chuyến hàng dầu thô của Nga trong tuần kết thúc vào ngày 15/12 đã giảm xuống còn khoảng 1,36 tỷ USD, thấp hơn 70 triệu USD so với tuần trước đó, giá xuất khẩu dầu tại các cảng Baltic cũng giảm 0,60 USD so với tuần trước. Ngoài ra, doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11.

Theo dự báo, thị trường dầu trong năm tới có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn cung ngày càng tăng từ các quốc gia ngoài OPEC+ như Mỹ, Brazil và nhu cầu chậm lại, chủ yếu là ở Trung Quốc.

Theo Oilprice



Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/xuat-hien-2-doi-thu-dang-lam-kho-dau-nga-tai-thi-truong-chau-a-mot-tu-tin-tang-gia-ban-vi-nhu-cau-qua-lon-mot-ong-lon-khong-co-gi-ngoai-dau-chao-moi-gia-ngay-cang-re-a41937.html