Ứng dụng công nghệ giảm carbon trong nông nghiệp của Việt Nam

Công nghệ phân tích vệ tinh sẽ giám sát tình trạng đất và sự phát triển của cây mía, từ đó tối ưu hóa loại, lượng và thời điểm bón phân, giảm lượng phân hóa học bón vào đất.

Mới đây, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) và Công ty Sagri (Nhật Bản) đã công bố hợp tác triển khai dự án Giảm phát thải Carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn, Thanh Hóa.

Dự án thử nghiệm mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường trên các cánh đồng mía do Lasuco và các hộ nông dân có ký hợp đồng với Lasuco hợp tác canh tác bằng cách áp dụng công nghệ phân tích vệ tinh tiên tiến của Sagri, công nghệ này giám sát và giảm các khí nhà kính như Nitơ oxit (N O) và tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất với mục tiêu đăng kí tín chỉ carbon . Dự án được triển khai thí điểm năm 2025 và hướng tới mục tiêu thương mại hóa vào năm 2026.

Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm dự án sẽ bắt đầu vào năm 2025 trên diện tích 500 hecta đất nông nghiệp do các nông dân có hợp đồng với Lasuco vận hành, để thực hành mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường. Công nghệ phân tích vệ tinh sẽ giám sát tình trạng đất và sự phát triển của cây mía, từ đó tối ưu hóa loại, lượng và thời điểm bón phân, giảm lượng phân hóa học bón vào đất.

Điều này không chỉ giảm lượng khí nitơ oxit phát thải từ phân bón chứa nitơ mà còn tăng cường khả năng lưu trữ carbon trong đất, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Sau giai đoạn thử nghiệm, nếu lượng giảm phát thải nhà kính đủ lớn, dự án dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026 và mở rộng quy mô lên 8.000 hecta. Đồng thời, các tín chỉ carbon được tạo ra sẽ được đăng ký theo phương pháp "Cải thiện Quản lý Đất Nông nghiệp" (VM0042) của tổ chức Verra -cơ quan chứng nhận tín chỉ carbon tự nguyện lớn nhất thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là dự án đầu tiên ở Việt Nam được đăng ký theo VM0042.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Dự án này sẽ góp phần vào việc giảm carbon trong nông nghiệp của Việt Nam, từ đó có thể xem xét nhân rộng mô hình này trên các dự án tạo tín chỉ carbon khác liên quan đến các loại cây trồng và các khu vực khác ở Việt Nam và các quốc gia khác.


Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/ung-dung-cong-nghe-giam-carbon-trong-nong-nghiep-cua-viet-nam-a42323.html