Du lịch Việt: “Bước chạy đà” cho một năm tăng tốc ấn tượng

Những chiến lược đột phá và xu hướng sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định cho sự "bứt phá" mạnh mẽ trong ngành du lịch.

Sự phục hồi mạnh mẽ 

Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn khởi sắc mạnh mẽ, ghi nhận những con số ấn tượng trong năm 2024. 

Tính đến hết tháng 11, Việt Nam đã đón hơn 15,8 triệu lượt khách quốc tế, tiến sát mục tiêu 17 triệu lượt của cả năm. Riêng tháng 11, lượng khách quốc tế đạt kỷ lục 1,7 triệu lượt cao nhất từ đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, du lịch nội địa cũng không kém phần sôi động, phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách sau 11 tháng.

Đáng chú ý, nhiều địa phương trọng điểm như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Bình, Ninh Thuận và Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu đón khách từ 2-3 tháng, minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Thành công này không chỉ đến từ nỗ lực tổ chức các chương trình kích cầu du lịch hiệu quả mà còn nhờ những chính sách mở cửa linh hoạt của chính phủ.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Dương Văn Sáu - Nguyên Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định rằng, việc mở rộng cửa đón du khách quốc tế, cùng với nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, góp phần đưa lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng vượt bậc.

Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh quảng bá các loại hình du lịch đa dạng như biển đảo, sinh thái, văn hóa, ẩm thực, và đặc biệt là du lịch MICE. Loại hình này đã ghi dấu những bước tiến quan trọng, điển hình là sự kiện đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ vào tháng 8 – một cột mốc đầy ấn tượng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch sự kiện và hội nghị quốc tế.

Du lịch Việt: “Bước chạy đà” cho một năm tăng tốc ấn tượng- Ảnh 1.

Đoàn 4.500 khách Ấn Độ đến Việt Nam vào tháng 8 vừa qua - một dấu mốc quan trọng cho du lịch sự kiện và hội nghị quốc tế.

Chính sách thị thực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế. Từ ngày 15/8/2023, thời hạn tạm trú được nâng từ 15 lên 45 ngày đối với công dân 13 quốc gia miễn thị thực đơn phương. 

Đồng thời, thị thực điện tử (e-visa) được áp dụng cho công dân toàn cầu, với thời gian tạm trú kéo dài từ 30 lên 90 ngày và giá trị nhập cảnh nhiều lần. Những cải tiến này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách mà còn tăng thời gian lưu trú, góp phần thúc đẩy chi tiêu du lịch.

Năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ của các sản phẩm du lịch sáng tạo tại nhiều địa phương trên cả nước. Quảng Ninh ghi dấu ấn với Carnaval trên biển "Bừng sáng cùng kỳ quan" lớn nhất từ trước đến nay.

Hải Phòng rực rỡ cùng Lễ hội Hoa phượng đỏ; Thanh Hóa nổi bật với Lễ hội Du lịch biển "Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu"; Khánh Hòa tỏa sáng qua Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang. 

Tại Hà Nội, bên cạnh việc phát huy các sản phẩm du lịch truyền thống, thành phố đã ra mắt và nâng cấp nhiều sản phẩm độc đáo như du lịch cộng đồng bản miền (huyện Ba Vì), du lịch cắm trại trên núi Ba Vì, và du lịch khám phá sông Hồng. 

Ngoài ra, chương trình kích cầu "Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội" đã mang lại hiệu ứng tích cực, thúc đẩy sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội cũng ghi dấu ấn với những bước tiến trong xúc tiến quảng bá quốc tế, đặc biệt thông qua hai sự kiện lớn là Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội - Nhật Bản 2024 và Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội - Hàn Quốc 2024. 

Những sự kiện này không chỉ kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại mà còn quảng bá hình ảnh Thủ đô tới hai thị trường trọng điểm tại châu Á, mở ra cơ hội hợp tác du lịch lâu dài.

Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mô hình quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Đây là nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng kỳ vọng của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch Việt: “Bước chạy đà” cho một năm tăng tốc ấn tượng- Ảnh 2.

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 thu hút 63.000 lượt khách tham quan.

Vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới tiếp tục được khẳng định qua loạt giải thưởng danh giá: "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á", và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á". Đây là lần thứ sáu Việt Nam được vinh danh ở hạng mục "Điểm đến hàng đầu châu Á", cho thấy sự khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản được UNESCO công nhận.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ghi nhận sự cải thiện vượt bậc của nhiều chỉ số du lịch Việt Nam, khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ và bền vững. 

Chinh phục mục tiêu lớn 

Với con số ấn tượng 110 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh sức bật mạnh mẽ ngay cả khi đối mặt với những thách thức lớn. Đặc biệt, con số này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao suốt 9 tháng đầu năm, khiến không ít người tiêu dùng phải thay đổi kế hoạch du lịch.

Theo bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Kavo Travel, người tiêu dùng Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt và thông minh khi chuyển hướng sang các điểm du lịch gần nhà, sử dụng ô tô hoặc tàu hỏa để di chuyển, hoặc chọn bay vào khung giờ thấp điểm nhằm tiết kiệm chi phí. 

“Nếu giá vé được duy trì ở mức như những năm trước, lượng khách nội địa chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn và ngành du lịch Việt Nam sẽ không mất đi một lượng lớn khách hàng chọn du lịch quốc tế thay thế”, bà Thơm chia sẻ.

Du lịch Việt: “Bước chạy đà” cho một năm tăng tốc ấn tượng- Ảnh 3.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu phục vụ 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa vào năm 2025, với tổng thu từ du lịch ước đạt 980-1.050 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh thách thức về giá vé, ngành du lịch cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là các hướng dẫn viên giỏi và những người nói được các ngôn ngữ hiếm như Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. 

Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch 8 Travel kỳ vọng năm 2025 sẽ là thời điểm để khắc phục vấn đề này thông qua các chính sách đào tạo và phát triển nhân lực bài bản.

Ngoài ra, ông Tứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu sâu hơn về hành vi và sở thích của khách du lịch, bao gồm số ngày lưu trú, mức chi tiêu, và nhu cầu đặc thù của từng thị trường. 

Đây sẽ là cơ sở để định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, góp phần kéo dài thời gian lưu trú và tăng doanh thu từ du lịch.

Để tiếp tục thu hút khách quốc tế trong những năm tới, bà Phạm Thị Thơm khuyến nghị cần cải thiện chính sách visa, mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan như vận tải, lưu trú, lữ hành và bán lẻ. 

Đồng thời, ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Song song với việc thu hút khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển các tour dựa trên giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng.

Hà Nội "thắp lửa" du lịch đêmLợi đôi đường từ du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp xanh

Điều này không những khuyến khích chi tiêu mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn di sản văn hóa.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu: “Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững”. 

Trong năm 2025, ngành đặt mục tiêu phục vụ 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu từ du lịch ước đạt 980-1.050 nghìn tỷ đồng.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/du-lich-viet-buoc-chay-da-cho-mot-nam-tang-toc-an-tuong-a42364.html