Ghép tạng ở Việt Nam: Nguồn mô, tạng hiến hiện nay vẫn còn rất hạn chế

Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người khu vực Nam bộ đã chính thức ra mắt. Đây là một sự kiện quan trọng trong công tác vận động hiến tạng, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tạng hiến, đặc biệt là từ người chết não, tại khu vực phía Nam.

Các trường hợp hiến tạng sau chết não tại khu vực phía Nam thấp

Sáng 23/12, Tại Bệnh viện Đại học Y Dược (Tp.HCM), Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã ra mắt Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, ghép mô, tạng là thành tựu y học lớn, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Hiện, Việt Nam đã thực hiện ghép thành công hầu hết các loại tạng, với hơn 1.000 ca, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

"Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu từ người cho sống, trong khi ở các nước, phần lớn là từ người chết não. Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, trường hợp hiến tạng sau khi chết não thấp hơn ở các khu vực khác", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Ghép tạng ở Việt Nam: Nguồn mô, tạng hiến hiện nay vẫn còn rất hạn chế- Ảnh 1.

Lễ ra mắt Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người khu vực Nam bộ. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Việc thành lập Chi hội được các chuyên gia kỳ vọng sẽ có nhiều nguồn hiến tạng từ người dân, giúp nhiều người hồi sinh sự sống.

"Việc thành lập Chi hội ở khu vực Nam bộ sẽ giúp các bệnh viện tại khu vực phía Nam liên kết trong công tác vận động, điều phối ghép tạng. Từ đó, giúp gia tăng nguồn tạng hiến cũng như giúp việc ghép tạng được thuận lợi hơn, cứu sống được nhiều người hơn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM, Chi hội trưởng Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam bộ, trong 20 năm qua, với nhiều thành tựu đạt được, ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến dài bắt kịp với sự tiến bộ của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ghép tạng ở Việt Nam: Nguồn mô, tạng hiến hiện nay vẫn còn rất hạn chế- Ảnh 2.

Phát động chương trình đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người tại Tp.HCM ngày 23/12.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy, tỉ lệ ghép tạng từ người chết não ở Việt Nam chỉ đạt 0,15 ca trên 1 triệu dân, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha (49 ca) và Thái Lan (6,12 ca).

Trong tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam, chỉ 6% đến từ người chết não, còn lại chủ yếu từ người sống. Trong năm 2024, cả nước đã có 36 người chết não hiến tạng, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, con số này rất nhỏ so với nhu cầu. Hiện, danh sách bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo chờ ghép tạng lên đến hàng nghìn trường hợp.

Trong thời gian tới Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam bộ sẽ xây dựng được mạng lưới truyền thông, tập trung vào công tác, tư vấn, kêu gọi người dân cùng chung tay tạo nên nét văn hóa "cho đi là còn mãi" nhằm thay đổi nhận thức về hiến tạng.

Bên cạnh đó, vận động các bệnh viện cùng liên kết với nhau, chia sẻ nguồn lực, đào tạo kiến thức đánh giá tình trạng, tiên lượng… những trường hợp chết não.

"Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng ra những quy trình vận động, đánh giá chết não, sàng lọc, lựa chọn người nhận tạng phù hợp… làm sao để công tác hiến tạng được công khai, minh bạch", Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc nhận định.

Xác định các nguyên tắc khi hiến, lấy, ghép tạng

Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người cho biết, thực tế, hiện cả nước đang thiếu nguồn mô, tạng hiến tặng.

Trong khi đó, nạn buôn bán nội tạng người còn diễn biến phức tạp. Vấn nạn này đang đe dọa đến các thành tựu của hiến ghép tạng vốn là một việc làm mang ý nghĩa nhân đạo

Ghép tạng ở Việt Nam: Nguồn mô, tạng hiến hiện nay vẫn còn rất hạn chế- Ảnh 3.

TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia. (Ảnh :Nguyễn Lành).

Theo TS Nguyễn Hoàng Phúc, hiện nay đã có các quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô/tạng từ người hiến sau khi chết/chết não.

"Hệ thống pháp luật là cơ sở pháp lý nền tảng cho hoạt động hiến, lấy ghép tạng ở Việt Nam. Cho và nhận tạng cần thực hiện theo nguyên tắc nhân đạo, công bằng và tuân thủ pháp luật. Bệnh viện sẽ chỉ tiến hành ghép mô, tạng khi người ghép có tên trong "Danh sách chờ ghép Quốc gia" và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn", TS Phúc nhấn mạnh.

Hàng trăm ca chờ ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2Nguồn tạng hiếm nhưng còn rất nhiều bệnh nhi chờ đợi được ghép tạngVì đâu nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng?

Cũng theo T.S Nguyễn Hoàng Phúc, pháp luật quy định các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, gồm: Thứ nhất là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Thứ hai là phải mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Thứ ba là không nhằm mục đích thương mại. Thứ tư là phải giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các điều cấm như: Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Điều 154 Bộ luật Hình sự quy định về tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:

Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Vì mục đích thương mại; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; …. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Đối với 06 người trở lên; d) Gây chết người;… 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Nguyễn Lành

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/ghep-tang-o-viet-nam-nguon-mo-tang-hien-hien-nay-van-con-rat-han-che-a42471.html