Bắt tay với đối thủ cạnh tranh để đón du khách đến "thành phố đáng sống nhất Việt Nam"

Để thu hút khách du lịch, các khách sạn Đà Nẵng không nên chỉ giới thiệu cơ sở lưu trú mà cần giới thiệu điểm đến, tăng cường hợp tác nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch ẩm thực và âm nhạc, nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách.

Ngày 9/12, tại Cung Hội nghị Quốc tế Furama Đà Nẵng, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp và chiến lược cho ngành khách sạn", thu hút gần 300 lãnh đạo và quản lý cấp cao từ các khách sạn trên địa bàn thành phố tham dự.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bền vững cho ngành khách sạn tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết, với hơn 1.281 cơ sở lưu trú và tổng cộng 46.256 phòng, Đà Nẵng hiện là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Trong số này, các cơ sở 4-5 sao chiếm ưu thế với 110 cơ sở, cung cấp 21.293 phòng; các cơ sở 3 sao và tương đương có 101 cơ sở với 6.672 phòng; và các cơ sở 2 sao trở xuống chiếm đa số với 1.077 cơ sở, cung cấp 18.291 phòng.

Phạm Văn Đồng được xem là một trong những con đường có nhiều khách sạn bậc nhất Đà Nẵng.

Phạm Văn Đồng được xem là một trong những con đường có nhiều khách sạn bậc nhất Đà Nẵng.

Ông Quỳnh nhấn mạnh, ngành du lịch và khách sạn Đà Nẵng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ từ các địa phương trong nước mà còn từ các điểm đến quốc tế. Hội thảo lần này không chỉ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn mang lại cái nhìn toàn cảnh về xu hướng thị trường và chiến lược quảng bá.

Trong khi đó, theo bà Lã Thị Hải Hà, Quản lý Vùng Cấp cao của Agoda, thành phố Đà Nẵng cùng thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội là ba thành phố được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất, trong đó du khách Hàn Quốc đặc biệt yêu thích Việt Nam, với Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu.

Bà Lã Thị Hải Hà, Quản lý Vùng Cấp Cao của Agoda, thông tin tại sự kiện.

Bà Lã Thị Hải Hà, Quản lý Vùng Cấp Cao của Agoda, thông tin tại sự kiện.

Bà Hải Hà chia sẻ, Việt Nam là quốc gia được du khách Hàn Quốc tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian gần đây nhờ vị trí địa lý gần gũi, giá vé máy bay hợp lý và các trải nghiệm du lịch phong phú. Đà Nẵng, với danh hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam", thu hút lượng lớn khách Hàn nhờ các bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực đa dạng và hệ thống khách sạn sang trọng.

Đáng chú ý, khoảng 80% du khách Hàn Quốc khi đến Đà Nẵng lựa chọn lưu trú tại các khách sạn 4-5 sao. Trong thời gian gần đây, xu hướng lựa chọn khách sạn 3 sao cũng đang gia tăng. Theo dự báo, trong 6 tháng tới, du khách Hàn Quốc vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Đáng lưu ý, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, năm 2024, du lịch tại thành phố này đã tăng trưởng về lượt khách và doanh thu; đạt được nhiều giải thưởng và tiếp tục củng cố thương hiệu điểm đến.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Đà Nẵng

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng hình thành thêm các sản phẩm, lễ hội độc đáo đặc sắc. Môi trường an ninh an toàn được giữ vững. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá có sự thay đổi độc đáo, đa dạng. 

Vịnh Đà Nẵng sẽ là nơi lấn biển để xây Khu thương mại tự do?Đà Nẵng: Hy hữu cả 9 nhà thầu đồng loạt bị loạiĐà Nẵng: Cảnh giác chiêu trò mạo danh đăng kiểm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong năm mới, các chiến lược trọng tâm để thu hút khách du lịch bao gồm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Sau cùng, thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và giải trí.

Để nâng cao sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận trong marketing. Thay vì chỉ giới thiệu cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp nên chia sẻ thông tin toàn diện về điểm đến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Một giải pháp quan trọng là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, kể cả đối thủ cạnh tranh, để phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch ẩm thực và âm nhạc, nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần áp dụng xu hướng marketing hiện đại như cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, hợp tác với KOLs, tối ưu hóa kênh bán hàng trực tuyến và xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo. Khi du khách đến nhiều thì lượng khách sạn được lấp đầy là điều dễ hiểu.

Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến du lịch để duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới. Chiến lược này sẽ được thực hiện thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, và các dịch vụ ăn uống, giải trí, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/bat-tay-voi-doi-thu-canh-tranh-de-don-du-khach-den-thanh-pho-dang-song-nhat-viet-nam-a42561.html