1. Hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước ngày 31/12/2024.
Kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ công chức viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giảm biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm của Đảng, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, kết quả đến nay đã cơ bản hoàn thành để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
2. Điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%
Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Tờ trình và Báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận số 83 làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 142/2024/QH15.
Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công.
Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); bổ sung quy định Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được đông đảo cán bộ công chức viên chức phấn khởi đón nhận.
Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình.
3. Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để kịp thời xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình UBTVQH thông qua 51/51 đề án của các địa phương thuộc diện sắp xếp.
Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025: Thành lập mới Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Đồng thời thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 45% đơn vị hành chính đô thị theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, góp phần tạo ra một diện mạo mới về hệ thống tổ chức hành chính đô thị ở Việt Nam.
4. Công tác xây dựng thể chế, chính sách
Đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt bất cập trong việc thực hiện cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ tạo sự thống nhất, thông suốt để thực hiện.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 6 văn bản, đề án; trình Quốc hội thông qua 4 luật và Nghị quyết; trình UBTVQH thông qua 53 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định, 60 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định, 1 Chỉ thị, 1 Công điện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư và 10 văn bản hợp nhất. Đặc biệt, đã tập trung nghiên cứu, rà soát để đề xuất cấp có thẩm quyền hồ sơ đề nghị sửa đổi 03 Luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách công vụ, công chức theo hướng năng động, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức.
5. Công tác cải cách hành chính Nhà nước
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực, trọng tâm là giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp tại địa phương để phục vụ tốt hơn nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp.
Công tác quản lý Nhà nước về văn thư - lưu trữ được hoàn thiện về thể chế, chính sách và được quan tâm, đầu tư nguồn lực để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của lưu trữ số và hiện đại hoá nền hành chính quốc gia.
Đồng thời, chủ động xây dựng Kế hoạch 5 năm (2025 -2030) thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Ban chỉ đạo Chính phủ phê duyệt.
6. Công tác thanh tra, pháp chế
Trong năm 2024, Bộ Nội vụ đã tổ chức nhiều Đoàn trực tiếp kiểm tra, rà soát hơn 2.000 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nội vụ, tham gia ý kiến đối với 276 lượt văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền 436 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
Qua kiểm tra đã kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nội vụ nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của lĩnh vực nội vụ.
Bộ Nội vụ đã tổ chức được 23 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại các bộ, ngành, địa phương; tiến hành kiểm tra tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại nhiều địa phương, qua đó phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm, thu hồi các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/goc-nhin-nguoi-dua-tin-nhung-dau-an-noi-bat-nganh-noi-vu-nam-2024-a42741.html