Giá thu mua thấp, người trồng sắn ở Lai Châu đối diện với khó khăn

Nông dân ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lai Châu đang đối diện với nỗi lo giá sắn giảm mạnh. Giá sắn giảm đồng nghĩa với việc thu nhập của bà con cũng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tiêu dùng của nhiều hộ nông dân vùng sản xuất chuyên canh.

Gần một tháng nay, gia đình anh Giàng A Nhà, ở bản Pờ Ngài, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu huy động toàn bộ 6 nhân khẩu của gia đình để tập trung thu hoạch sắn. Nếu như đầu vụ thu hoạch vào tháng 11 vừa qua, sắn củ tươi được thu mua với giá hơn 2.000 đồng/kg, thì nay đã giảm xuống còn khoảng 1.400 đồng/kg. So với giá thu mua năm 2023 gần 3.000 đồng/kg, người trồng sắn giảm thu nhập mất một nửa tiền.

Anh Giàng A Nhà chia sẻ, gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ thu hoạch sắn để trang trải cho các khoản chi tiêu tết. Năm nay giá sắn giảm mạnh sẽ khó khăn hơn để sắm sửa đầy đủ như mọi năm.

Giá thu mua thấp, người trồng sắn ở Lai Châu đối diện với khó khăn- Ảnh 1.

Thị trường thu mua tinh bột sắn không ổn định là nguyên nhân giá sắn thấp

“Giá sắn năm nay rất thấp so với năm 2022 và 2023. Thứ hai là nhà máy sắn ở Nậm Tăm năm nay ngừng không hoạt động, phụ thuộc vào nhà máy ở Sơn La nên thương lái thu mua rất rẻ” - anh Giàng A Nhà nói.

Huổi Luông là một trong 5 vùng sản xuất chuyên canh sắn tại Phong Thổ, với hơn 880ha. Đây là cây trồng chính của nhiều hộ nông dân người Mông, Hà Nhì ở địa phương. Tuy nhiên, khi giá sắn giảm mạnh, nhiều gia đình dừng thu hoạch và không có thu nhập.

Ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và bà con mong muốn, nếu có nhà máy trên địa bàn thì họ sẽ đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con giá cả sẽ ổn định hơn. Khi nhà máy ký cam kết thu mua cho bà con, phát triển vùng trồng sắn sẽ bền vững, đời sống người dân sẽ ổn định hơn”.

Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có hơn 2.800 ha sắn, năng suất trung bình đạt khoảng 150 tạ/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Huổi Luông, Bản Lang, Mù Sang, Hoang Thèn, Nậm Xe. Đến nay bà con mới thu hoạch được khoảng 20%.

Giá thu mua thấp, người trồng sắn ở Lai Châu đối diện với khó khăn- Ảnh 2.

Bà con mới thu hoạch được khoảng 20% diện tích

Nguyên nhân chính giá sắn giảm mạnh là sự thiếu hụt về nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước, nhất là thị trường tiêu thụ kém ổn định từ Trung Quốc, trong khi nhu cầu thu mua giảm thì nguồn cung lại tăng do vụ này các tỉnh khác tăng diện tích trồng sắn, gây áp lực giảm giá.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con vùng sản xuất chuyên canh sắn cần áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới. Chính quyền địa phương cũng cần xem xét việc hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình hỗ trợ giá, tín dụng ưu đãi hoặc các biện pháp kích cầu tiêu dùng để giảm bớt khó khăn cho người dân trong dịp tết này.

Giá thu mua thấp, người trồng sắn ở Lai Châu đối diện với khó khăn- Ảnh 3.

Dù giá sắn thấp, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn phải thu hoạch để có thu nhập trang trải cuộc sống

“Cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân tiếp tục rà soát lại vùng trồng sắn, đảm bảo theo đúng kế hoạch của UBND huyện cũng như UBND tỉnh; đảm bảo thực hiện đúng đề án phát triển vùng trồng sắn bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ hai là tiếp tục tuyên truyền bà con nông dân đối với những diện tích có thể đảm bảo chuyển đổi sang một số cây trồng khác, năng suất hơn, giá trị hơn, để đảm bảo cơ cấu cây trồng cũng như định hướng của UBND huyện” - ông Vũ Hữu Lưỡng nói.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/gia-thu-mua-thap-nguoi-trong-san-o-lai-chau-doi-dien-voi-kho-khan-a42846.html