Tiềm năng sẵn có
Chuyến du ngoạn sông Hồng kéo dài 3 giờ, khởi hành từ lúc hoàng hôn đưa du khách hòa mình vào khung cảnh thơ mộng hai bên bờ sông khi chiều dần buông.
Trên du thuyền, du khách không chỉ được thưởng thức bữa tối sang trọng mà còn được lắng nghe âm nhạc, tham gia giao lưu văn nghệ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của những cây cầu biểu tượng như Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân.
Trải nghiệm tour đường sông Hà Nội, bà Dương Thanh Hằng - Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiles Travel bày tỏ: “Điểm đặc biệt của hành trình này là du khách không chỉ ngắm cảnh mà còn có cơ hội tham quan các đình, chùa dọc hai bên bờ sông, khám phá làng nghề truyền thống, và trải nghiệm du lịch nông thôn.
Ngoài ra, du khách còn có thể dùng bữa, tận hưởng dịch vụ spa ngay trên tàu hoặc tham gia các hoạt động du lịch thể thao, mạo hiểm khi tàu dừng tại một số điểm”.
Đánh giá về sản phẩm du lịch này, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á (ATI) cho hay, tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm đầy tiềm năng, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn hấp dẫn khách quốc tế.
“Nếu được đầu tư đúng cách, đây sẽ là một sản phẩm có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt phù hợp với du khách lớn tuổi đến từ châu Âu. Họ yêu thích những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và khám phá văn hóa bản địa”, ông Quỳnh nhận định.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển Du lịch sông Hồng (thuộc Công ty Cổ phần Thăng Long GTC) cho biết, sản phẩm du lịch sông Hồng từng trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đang dần khởi sắc nhờ sự đầu tư và đổi mới. Năm 2023, tuyến du lịch này đón 3.000 lượt khách, tăng lên 7.000 lượt vào năm 2024, minh chứng cho sức hút ngày càng lớn.
Bà Minh chia sẻ thêm, để mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách đơn vị tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng từ tham quan văn hóa, lịch sử đến trải nghiệm làng nghề.
"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là thu hút khách mà còn tạo dấu ấn lâu dài về du lịch sông Hồng trong lòng mỗi người”, bà nói.
Sông Hồng, dòng sông huyết mạch chảy qua Thủ Đô, không những là nguồn cung cấp nước quan trọng, mà còn mang trong mình bề dày văn hóa, lịch sử. Với chiều dài 556km, trong đó 160km chảy qua Hà Nội, dòng sông đặc biệt này đi qua 15 quận, huyện đặt nền tảng cho sự phát triển du lịch đường sông.
Dọc hai bên bờ sông Hồng là hàng loạt di tích lịch sử và văn hóa, đánh dấu những trang sử huy hoàng của Thủ đô.
Có thể kể đến các di tích nổi bật như đền Tản Viên Sơn Thánh (Đồng Mô, Ba Vì), đền Hát Môn (Phúc Thọ), đền Dầm, đình Chèm (Bắc Từ Liêm), đền Ghềnh, đền Rừng (Long Biên) và đền Gióng (Gia Lâm). Mỗi di tích vừa mang giá trị tâm linh, vừa là những điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống như làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và làng mây tre đan (Thường Tín) là những điểm đến không thể bỏ qua.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của dòng sông, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển Du lịch sông Hồng đã tiên phong khai thác tuyến du lịch sông Hồng.
Bắt đầu với chương trình “Ấn tượng sông Hồng”, đến nay đơn vị này đã phát triển thêm 5 tuyến du lịch, kết nối Hà Nội với các điểm đến nổi tiếng tại Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nam. Đặc biệt, các chương trình tour được thiết kế linh hoạt theo nhu cầu khách hàng, từ các chuyến tham quan văn hóa, lịch sử, làng nghề cho đến các tour dành riêng cho học sinh.
Tháng 10/2023, Xí nghiệp đầu tư thêm du thuyền Thăng Long Victory, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại. Đến tháng 3/2024, chương trình “Những nhịp cầu hạnh phúc” chính thức ra mắt, mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Cần một lối đi mới
Mặc dù sở hữu tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch đường sông, tuyến du lịch sông Hồng hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa đáp ứng kỳ vọng của cả cơ quan quản lý lẫn du khách.
Hiện tại, chỉ có Công ty CP Thăng Long – GTC được phép vận hành tuyến du lịch từ Hà Nội đến Hưng Yên, nhưng việc khai thác này còn nhiều hạn chế.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn nhận định: “Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, bến cảng, dịch vụ du lịch đường sông như khu đón khách, bãi đỗ xe… vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến việc các điểm di tích lịch sử, văn hóa dọc tuyến chưa được khai thác hết tiềm năng".
Ông lấy ví dụ về bến thủy nội địa gần đình Bát Tràng, công trình được thành phố đầu tư từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không thể hoạt động do các vấn đề kỹ thuật và khó khăn trong việc cập bến của tàu thuyền.
Để tháo gỡ những rào cản này, ông Phạm Hải Quỳnh cho hay, Công ty GTC nên hợp tác với các đơn vị khác để đầu tư xây dựng cầu cảng sạch sẽ, hiện đại, biến nơi đây thành điểm check-in hấp dẫn.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như tàu cao cấp phục vụ du khách vào ban đêm. “Thay vì cách tham quan kiểu cũ, đơn vị khai thác cần hoàn thiện điểm đến để nâng tầm trải nghiệm”, ông Quỳnh nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy kiến nghị cần đẩy mạnh hợp tác quảng bá và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chẳng hạn như tour tham quan làng nghề, tour văn hóa tâm linh, hay các hoạt động trải nghiệm mới mẻ dọc theo tuyến sông.
"Hà Nội cần kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phát triển nhiều điểm đón khách hiện đại, chuyên nghiệp, thay vì phụ thuộc vào một vài địa điểm cố định", ông Tuyên nói.
Là đơn vị trực tiếp khai thác tuyến sông Hồng, bà Minh – đại diện Công ty GTC đề xuất Thành phố Hà Nội cần quy hoạch lại khu vực sinh sống của người dân làng chài ven sông, đảm bảo an sinh xã hội và chia sẻ lợi ích từ du lịch.
Bà khuyến nghị xây dựng thêm các hoạt động như chèo thuyền kayak, chèo SUP, cắm trại, trải nghiệm nông nghiệp ven sông, hay tham gia các nghề truyền thống tại làng nghề để thu hút du khách.
Trước những ý kiến từ chuyên gia và doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định Sở đang tham mưu UBND Thành phố kế hoạch “hoàn thiện và mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông”.
Theo đó, các sản phẩm trọng tâm sẽ bao gồm nâng cấp tuyến du lịch hiện có, phát triển các hoạt động thể thao, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí ven sông, nhằm thu hút thêm nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng và dịch vụ.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững du lịch sông Hồng, không chỉ cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự đổi mới từ phía doanh nghiệp.
Các công ty khai thác cần nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên và gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời cung cấp thông tin phong phú hơn về các điểm đến. Đây sẽ là chìa khóa để đánh thức tiềm năng lớn lao của tuyến du lịch sông Hồng.
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/nhung-chuyen-tau-hoang-hon-danh-thuc-du-lich-duong-song-thu-do-a43199.html