Dịch bệnh nào có thể diễn biến phức tạp vào năm 2025?

Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu, một số bệnh dự phòng bằng vắc-xin có nguy cơ gia tăng.

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025.

Thống kê cho thấy trên thế giới trung bình có 5 bệnh mới xuất hiện trên người, trong đó có 3-4 bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. 

Việt Nam nằm trong điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người có xuất xứ từ động vật, trong đó 72% bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người từ động vật hoang dã.

Dịch bệnh nào có thể diễn biến phức tạp vào năm 2025?- Ảnh 1.

72% bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người từ động vật hoang dã. Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết COVID-19 là một lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới, hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn... 

Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời.

Báo cáo tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. 

Số ca sởi dương tính là hơn 6.700, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Trong đó có 13 ca tử vong, tăng 13 ca so với năm ngoái.

Một số tỉnh có số mắc cao là Đồng Nai (6.360 ca), TP.HCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)... Nguyên nhân một phần do nhiều bà mẹ không cho con tiêm vắc-xin.

Với bệnh dại, theo ông Tâm, đây là bệnh truyền nhiễm có số trường hợp tử vong cao nhất (84 ca tử vong từ đầu năm đến nay). Để ngăn ngừa bệnh dại trên người, cần đạt tỉ lệ tiêm chủng cho chó mèo trên 70%, tuy nhiên hiện chỉ đạt dưới 50%.

Ngoài ra, theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 141.000 ca sốt xuất huyết, 28 người tử vong (giảm gần 17% so với năm 2023). Hải Phòng là địa phương có số ca mắc cao nhất là hơn 23.000 ca mắc, TP.HCM hơn 14.000 ca mắc.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Phát hiện thi thể trong hốc bánh đáp máy bay trong đêm Giáng sinhKhởi tố đối tượng thu gom lợn chết, lợn dịch bán ra thị trường kiếm lời

Bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỉ lệ tiêm phòng dại thấp.

Cục Y tế dự phòng cảnh báo bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như đậu mùa khỉ tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. 

Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.

Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết lây lan do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch, đô thị hóa, di dân... 

Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người dân chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Duy Huy (tổng hợp)


Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/dich-benh-nao-co-the-dien-bien-phuc-tap-vao-nam-2025-a43679.html