Gần 18.000 vụ hàng lậu, hàng giả 'tuồn' vào Việt Nam

Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024 ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 18.000 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 31.350 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2024 diễn biến phức tạp trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Hàng hóa vi phạm đa dạng, không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau.

Đặc biệt, năm qua nổi lên tình trạng các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu , kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại tuyến biên giới phía Bắc, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại để thực hiện mua gom, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Gần 18.000 vụ hàng lậu, hàng giả 'tuồn' vào Việt Nam- Ảnh 1.

Lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 18.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2024. Ảnh: TCHQ.

Tại tuyến biên giới miền Trung, hoạt động vi phạm chủ yếu là mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, động vật hoang dã; xăng dầu lậu, vận chuyển trái phép đường cát, rượu, bia, hàng điện tử, các chất ma tuý. Đáng chú ý, các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng lậu sử dụng các thủ đoạn như xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe môtô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ; hoạt động vào các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết…

Tuyến biên giới đất liền phía Nam xảy ra tình trạng thẩm lậu các mặt hàng như: pháo nổ, thuốc lá điếu, đường kính, tiền, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm... Các đối tượng lợi dụng địa hình bằng phẳng, sử dụng các thủ đoạn chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, vào đêm tối hoặc sáng sớm để vận chuyển trái phép hàng hóa…

Tuyến cảng biển tập trung vào các cảng lớn tại Hải Phòng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng hóa vi phạm với số lượng lớn, đa dạng về mặt hàng cũng như loại hình vi phạm (quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh…). Tuyến biển miền Trung nổi lên hiện tượng ma tuý gắn định vị trôi dạt trên biển.

Tuyến hàng không tập trung vào các sân bay quốc tế như: Nội Bài - Hà Nội, Tân Sơn Nhất - TPHCM, Đà Nẵng, Cam Ranh - Khánh Hòa. Các mặt hàng vi phạm như: Tiền, ngoại tệ, vàng, kim cương, thuốc lá, tiền chất, ma tuý, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng khác... Các đối tượng thường lợi dụng loại hình bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng xách tay, quà biếu, tặng, hành lý ký gửi… để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Tại địa bàn ngoài cửa khẩu trong các khu công nghiệp nổi lên tình trạng “sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan Hải quan” để trốn thuế.

Theo Tổng cục Hải quan , năm 2024, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 18.000 vụ việc vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 31.350 tỷ đồng, tăng 12,5% về số vụ và tăng 151,3% về trị giá hàng hoá vi phạm so với năm ngoái, Cơ quan hải quan đã khởi tố 27 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 173 vụ; số tiền thu nộp ngân sách hơn 893 tỷ đồng, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/gan-18000-vu-hang-lau-hang-gia-tuon-vao-viet-nam-a43821.html