Đường ống Nga qua Ukraine đóng sập, châu Âu tiêu thụ khí đốt với tốc độ nhanh chưa từng thấy, tồn kho sụt giảm lớn nhất trong 7 năm qua

Lượng khí đốt tồn kho tại châu Âu đã giảm 25% so với mức đỉnh năm ngoái, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất trong vòng 7 năm qua.

Đường ống Nga qua Ukraine đóng sập, châu Âu tiêu thụ khí đốt với tốc độ nhanh chưa từng thấy, tồn kho sụt giảm lớn nhất trong 7 năm qua- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Oilprice, lượng tồn kho khí đốt ở châu Âu đang cạn kiệt với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2018 khi thời tiết lạnh giá đang làm tăng nhu cầu sưởi ấm.

Theo số liệu từ Gas Infrastructure Europe, kho lưu trữ khí đốt hiện chỉ còn khoảng 70%, thấp hơn so với mức 86% cùng kỳ năm ngoái. So với mức đỉnh của 2024, lượng khí đốt tồn kho hiện đã giảm 25%, đánh dấu cho mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 7 năm qua.

Samantha Dart, giám đốc nghiên cứu khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs Group Inc., cảnh báo: “Nếu mức tồn kho khí đốt vào cuối tháng 3 tiếp tục giảm mạnh, châu Âu sẽ càng gặp khó khăn trong việc bổ sung kho dự trữ trước mùa đông năm sau, đặc biệt khi thời tiết càng lạnh hơn so với mức dự báo trung bình."

Tuy nhiên, giá khí đốt đã giảm khi không còn tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức mặc dù nhu cầu đang gia tăng. Giá khí đốt tự nhiên tương lai của châu Âu đã giảm xuống còn 47,90 euro/MWh vào ngày 6/1, sau khi tăng 3,8% của đầu tuần của tháng 1.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào LNG toàn cầu để thay thế cho dòng chảy đường ống của Nga đã làm tăng thêm mức độ tiếp xúc của khu vực này với những biến động giá. Với các sự cố mất điện ngoài ý muốn, bao gồm việc đóng cửa nhà máy LNG Hammerfest của Na Uy,  thị trường được cho sẽ tiếp tục biến động mạnh.

Hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua các đường ống chạy qua Ukraine đã kết thúc ngay đầu năm 2025, chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Moscow đối với thị trường năng lượng châu Âu. Công ty khí đốt Gazprom của Nga cho biết họ đã ngừng cung cấp vào 05:00 GMT ngày 1/1 sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển.

Ukraine sẽ mất khoản phí trung chuyển lên tới 1 tỷ USD/năm từ Nga trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh số.

Tuy nhiên, châu Âu không rơi vào tình trạng hỗn loạn như năm 2022 khi giá khí đốt tự nhiên không chịu tác động lớn từ việc cắt giảm lần này, nhờ vào những nỗ lực của châu Âu trong việc tìm ra nguồn cung thay thế.

Trước đó, các chuyên gia năng lượng đã cảnh báo rằng Áo, Hungary và Slovakia có khả năng sẽ là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nguồn nhập khẩu bị cắt giảm. May mắn thay, Slovakia đã đảm bảo được nguồn cung mới từ SOCAR, công ty dầu khí quốc gia của Azerbaijan, đã bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho SPP của Slovakia, công ty năng lượng quốc gia lớn nhất của nước này.


Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/duong-ong-nga-qua-ukraine-dong-sap-chau-au-tieu-thu-khi-dot-voi-toc-do-nhanh-chua-tung-thay-ton-kho-sut-giam-lon-nhat-trong-7-nam-qua-a44666.html