Theo China Times, một người đàn ông 56 tuổi gần đây bị đau thắt lưng đột ngột, kèm theo các triệu chứng như đi tiểu liên tục, nước tiểu màu vàng, lượng nước tiểu ít nên đã đến bệnh viện khám.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện chức năng thận của bệnh nhân bất thường, ống thận tổn thương kết hợp với viêm thận, có sỏi oxalat. Điều này khiến bệnh nhân bất ngờ khi tháng 2 năm nay, kết quả xét nghiệm chức năng thận của ông vẫn bình thường.
Sau khi tìm hiểu, bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh là do thói quen ăn ớt trong cả 3 bữa ăn mỗi ngày suốt thời gian dài.
Mặc dù ớt chứa nhiều vitamin C, nếu tiêu thụ với lượng vừa phải có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho mắt và da, cũng như các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính nhưng việc ăn quá nhiều ớt lại gây hại cho thận.
Theo Science Direct, nếu ăn ớt với lượng lớn thường xuyên, sỏi oxalat sẽ lắng đọng, gây tổn thương thận, thậm chí làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
Các nhà khoa học của Đại học Liên bang Sao Paulo (Brazil) khuyến cáo bổ sung 1 hoặc 2g vitamin C mỗi ngày có thể làm tăng đáng kể oxalat trong nước tiểu, nguy cơ kết tinh canxi oxalat. Do đó, những bệnh nhân có tiền sử bị sỏi thận không nên dùng lượng vitamin C vượt quá lượng khuyến cáo hằng ngày.
Ngoài ra, ăn quá nhiều ớt còn gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến khó chịu, trào ngược axit hoặc thậm chí viêm dạ dày đối với những người nhạy cảm. Các trường hợp bị hội chứng ruột kích thích hoặc loét dạ dày cần thận trọng khi ăn thực phẩm cay. Một số người bị tăng nhịp tim, đỏ mặt, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
Tóm lại, mặc dù ớt có một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ quá mức có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với thận và hệ tiêu hóa. Vì vậy, nên ăn ớt với lượng vừa phải kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
Triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận, hay còn gọi là sỏi tiết niệu, là các cặn rắn hình thành từ khoáng chất và muối. Thông thường, sỏi thận không gây triệu chứng cho đến khi di chuyển trong thận hoặc xuống niệu quản.
Cấu trúc đường tiết niệu của bạn không được thiết kế để loại bỏ các chất thải rắn, do đó không có gì ngạc nhiên khi sỏi thận xuất hiện, mắc kẹt trong đường tiết niệu, gây cảm giác rất đau, đến mức người ta gọi đó là "cơn đau bão thận" hoặc "cơn đau quặn thận".
Sỏi gây đau ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới. Đó là khi khởi phát, xuất hiện rất đột ngột, sau khi có một hoạt động gắng sức. Sau đó cường độ đau mạnh hơn. Người bệnh thường đau quằn quại, vật vã để tìm một tư thế giảm đau nhưng không được.
Triệu chứng đi kèm theo cơn đau sỏi thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run nếu có nhiễm trùng tiết niệu kết hợp.
Các trường hợp sỏi có bề mặt nhám, gai san hô… khi cọ xát vào đường tiểu thì gây tiểu ra máu. Bình thường sỏi thận không gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, do bệnh nhân hoạt động nhiều, hoặc vận động mạnh thì gây tiểu ra máu.
Bế, tắc đường tiểu: Bao gồm bí tiểu, bế tắc thận, thận ứ nước căng to. Vì các dấu hiệu này tương tự với nhiều bệnh khác nên cần thăm khám với bác sĩ có chuyên môn để phân tích nguyên nhân và chẩn đoán.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/thuong-xuyen-an-loai-qua-nay-nguoi-dan-ong-56-tuoi-bi-hong-than-a44845.html