Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!

Sau một năm 2024 bùng nổ, thị trường livestream được dự đoán sẽ tiếp tục có thay đổi đáng kể trong năm 2025.

Nhà nhà livestream (gọi tắt là live), người người lên mạng chốt đơn là mô tả ngắn gọn nhất về nghề livestream trong năm 2024. Từ những phiên live cây nhà lá vườn với một chiếc điện thoại cũ nát đến những màn chốt đơn hàng trăm tỷ đồng có ekip vài chục người, từ cô gái người H’Mông lên mạng bán miến dong - đặc sản địa phương đến cô người mẫu gợi cảm bậc nhất Vbiz đi bán quần áo cho nhãn hàng,... tất cả làm nên một bức tranh livestream rất nhiều màu sắc.

Và tất nhiên, với một ngành nghề vừa mới mẻ vừa phát triển nhanh như livestream, mọi thứ không dễ để nắm bắt. Có nhiều khoảnh khắc nhộn nhạo vì những con số “vượt mức pickleball”, có không ít drama cho cư dân mạng hít muốn “bể phổi”.

Ở góc nhìn của người làm truyền thông và marketing, phía sau 2 chiếc màn hình - một của người live và một của người mua hàng trong năm vừa qua còn có rất nhiều bí mật, nhận định chưa được tiết lộ. Cùng trò chuyện với:

- Anh Lê Minh Tâm, Founder TGM Media, từng là CMO Vinalink Media, Founder Bich Ngoc Optical

- Anh Phùng Thái Học, Founder group "Tâm sự con sen" có 651k thành viên, CEO của một agency và có 12 năm kinh nghiệm Digital Marketing và Content Marketing

Và nghe họ thảo luận về chủ đề: Nhìn lại “bức tranh” nghề livestream năm 2024, dự đoán xu hướng năm 2025? Người live nên làm gì để duy trì sức hút khi ngày nào cũng có megalive và superlive, để “sinh tồn” khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao?

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 1.

Anh Lê Minh Tâm (trái) và anh Phùng Thái Học (phải)

Doanh số 58 tỷ đồng, bỏ túi 5,8 tỷ đồng: Thu nhập livestream ăn đứt nhiều công việc khác!

Với kinh nghiệm của mình, anh Phùng Thái Học cho rằng năm 2024 có 2 xu hướng bán hàng chính: coi live như một kênh rao vặt và coi live như một nơi giới thiệu sản phẩm chính thức - nhóm livestream chuyên nghiệp.

Ở kiểu đầu tiên, người live không quyết định hành vi mua mà khách hàng đã có nhu cầu cụ thể với sản phẩm, chỉ cần gặp live đúng thời điểm, đúng giá thì sẽ mua hàng. Còn kiểu thứ 2, người livestream đóng vai trò tuyệt đối: “Khách hàng xem live vì người đó, mua hàng vì tin vào lời giới thiệu và những sản phẩm mà người đó chia sẻ. Lúc này người live đóng cả vai trò tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm”.

Trong khi đó, anh Lê Minh Tâm lại chỉ ra xu hướng livestream dựa trên mặt doanh thu. Anh cho rằng xu hướng rõ ràng nhất là các phiên megalive được xây dựng bài bản, kết hợp nhiều nhãn hàng và nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều KOL, được truyền thông rầm rộ.

“Có thể nói megalive là dấu ấn lớn nhất của ngành livestream trong năm 2024. Ví dụ như những phiên live kỷ lục 75 tỷ, 100 tỷ đồng,... của gia đình Quyền Leo Daily. Ngoài ra có nhiều megalive khác có con số khủng nhưng có người show ra và có người không bao giờ tiết lộ.

Việc show doanh số chủ yếu để tạo ra hiệu ứng truyền thông, hiệu ứng thương hiệu và xây dựng hình ảnh cho bản thân mình lẫn nền tảng. Chẳng hạn như nhà Quyền Leo, hoạt động này thu hút sự chú ý từ dư luận lẫn cơ quan chức năng. Tuy nhiên người ta phải cân nhắc có nên show hay không vì còn phụ thuộc vào vấn đề quản lý nhà nước về doanh thu”.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 2.

Gia đình Quyền Leo Daily đạt doanh số 100 tỷ đồng vào dịp sale ngày đôi 5/5

Thực tế, dù có được công bố doanh số chi tiết hay không thì người làm nghề livestream cũng được xem là nhóm sống tốt, sống khỏe nhất nhì trong năm 2024.

Nhiều phiên live kỷ lục xuất hiện, nhiều mặt hàng từ nhỏ nhất như bịch khăn giấy đến giá trị lớn như hàng hiệu, BĐS đều có thể được chốt đơn qua livestream. Nếu như nhãn hàng về số cực lớn thì người live cũng có thu nhập là dãy số dài dằng dặc.

Chia sẻ về lợi nhuận từ livestream tại CEO Talk do báo điện tử VTC News thực hiện, Phạm Thoại thẳng thắn tiết lộ “hoa hồng” cho các phiên livestream mà mình tham gia thường là 10% doanh số. Tức là nếu phiên live đạt doanh số 58 tỷ đồng, Thoại đã bỏ túi 5,8 tỷ đồng. Ngày cả khi đã trừ các khoản như đơn hàng hoàn trả, đầu tư thiết bị và thuê ekip hỗ trợ, đóng thuế,... thu nhập từ livestream của Thoại vẫn “ăn đứt” nhiều công việc khác.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 3.

Phạm Thoại và clip teaser cho megalive 26/12 vừa qua

Nhiều người cho rằng thu nhập khủng chính là nguyên nhân khiến người người, nhà nhà đổ xô đi livestream. Ví dụ trực quan là hàng loạt nàng WAG - vợ của các cầu thủ nổi tiếng như chị em Huyền Mi và Quỳnh Anh, Chu Thanh Huyền, Doãn Hải My,... đều đã gia nhập giới livestream. Thậm chí họ còn kết hợp để tổ chức các phiên live cùng với nhau, tăng sức hút cho nhau.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 4.

Từ trái qua: Chu Thanh Huyền - vợ Quang Hải, Nguyễn Huyền Mi - vợ Văn Quyết, Nguyễn Quỳnh Anh - vợ Duy Mạnh

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 5.

Doãn Hải My - vợ Văn Hậu cũng đã gia nhập giới livestream

Hay một góc nhìn khác, nhiều nhân vật đình đám ở Vbiz như ca sĩ Hoà Minzy, Hoa hậu Hương Giang, diễn viên Lê Dương Bảo Lâm,... dù đã có chỗ đứng trong nghề vẫn đi livestream. Điều này phổ biến đến nỗi cư dân mạng đã chốt lại: Ai rồi cũng phải livestream thôi!

Theo quan điểm của anh Lê Minh Tâm, việc nghệ sĩ chọn livestream bán hàng hay không sẽ dựa trên định hướng xây dựng hình ảnh của họ. Và livestream cũng chỉ một trong số nhiều nguồn thu nhập, là kênh vừa giúp họ đến gần khán giả vừa có thu nhập lại không ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cá nhân thì sẽ được lựa chọn, không nhất thiết vì kiếm được nhiều tiền.

“Mỗi nghệ sĩ có định hướng khác nhau, chẳng hạn như Sơn Tùng M-TP không tham gia gameshow nhưng một số sao Vbiz khác lại đi show rất nhiều. Hoạt động livestream cũng vậy, nghệ sĩ nhận được cát-xê và có thể xem như cách tạo thu nhập từ việc bán hình ảnh. Họ dùng tiền đó đầu tư vào việc sản xuất sản phẩm, làm MV, làm concert,... để phục vụ khán giả. Quan trọng nhất là hoạt động đó có phù hợp với họ hay không” - anh Tâm bày tỏ.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 6.

Vợ chồng Lê Dương Bảo Lâm trong một phiên livestream

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 7.

Hoà Minzy

Năm 2024 vừa qua cũng chứng kiến những hiện tượng livestream, có người nổi lên như một ngôi sao rồi lại chìm xuồng hoặc vẫn hoạt động nhưng không mấy nổi bật, không duy trì được độ nổi tiếng. Anh Minh Tâm lý giải chuyện này dựa trên việc duy trì sức ảnh hưởng đến cộng đồng, với nhiều người là làm sáng tạo nội dung.

“Những người bán hàng thành công hiện tại như Võ Hà Linh, Hằng Du Mục, Pewpew,... ngoài việc livestream bán hàng họ còn là nhà sáng tạo nội dung. Họ liên tục tạo ra nội dung theo các hướng khác nhau nhưng đều có điểm chung là mang lại giá trị.

Chẳng hạn Võ Hà Linh, trước đây bạn ấy làm nội dung review, đánh giá sản phẩm dưới góc độ của một người tiêu dùng. Sau này bạn ấy phải tìm tòi chuyên sâu về mỹ phẩm để video, nội dung có chiều sâu hơn về mặt kiến thức. Chính việc nhận thức rằng phải tạo ra những nội dung chất lượng hơn đã giúp Hà Linh duy trì được tên tuổi, không bị chìm xuống. Hay với Phạm Thoại, năm vừa qua bạn ấy có rất nhiều hoạt động thiện nguyện, nhất là đợt bão Yagi, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngoài ra bạn ấy còn làm nội dung giải trí như làm phim.

Tức là chỉ khi bạn nâng giá trị lên, sáng tạo nội dung chất lượng hơn, đem lại giá trị cho cộng đồng thì mới được mọi người nhớ đến. Còn bạn chỉ livestream, không đem lại nội dung, không có các đóng góp cho xã hội,... thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên”.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 8.

Võ Hà Linh

Lấy câu chuyện đời tư làm “chất liệu” để bán hàng: Khéo thì đổi đời, không khéo thì mất hết sự nghiệp

Có một sự thật không thể chối cãi là nghề nào đem lại càng nhiều lợi nhuận thì càng thu hút sự chú ý từ đám đông, càng dẫn đến nhiều vụ ồn ào. Nghề livestream cũng không ngoại lệ.

Năm 2024 giới chốt đơn chứng kiến hàng loạt drama lớn có, nhỏ có; chuyện trong nghề có, chuyện đời tư có. Đó là Quyền Leo Daily và chiếc ô tô thị phi trong phiên live 150 tỷ đồng, đó là Võ Hà Linh bật khóc khi comeback và phá kỷ lục mắt xem, đó là Hằng Du Mục cùng vụ ly hôn chồng cũ,...

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 9.

Trong megalive đầu tiên sau khi ly hôn, Hằng Du Mục được cho là "cà khịa" chồng cũ bằng cách hát karaoke bài Không Bằng

Theo anh Lê Minh Tâm, những ồn ào có thể khiến ai đó đi tong sự nghiệp hay không thì còn tùy tình huống.

Bởi ở Việt Nam, khi người nổi tiếng gặp scandal tiêu cực, sự quay lưng hay “trừng phạt” từ cộng đồng chưa thực sự gay gắt. Nhưng rõ ràng, drama ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh/ danh tiếng của người đó. Vì vậy người live cần thận trọng, thay vì lợi dụng drama để nổi tiếng thì phải nâng cao chuyên môn về sản phẩm, giữ cái tâm với nghề.

Đây cũng là quan điểm của anh Phùng Thái Học: “Có nhiều người không rõ là vô tình hay cố ý, lại để lộ ra quá nhiều thông tin đời tư nhạy cảm, tạo ra những cảm xúc tiêu cực cho khán giả. Nếu bất cứ ai định dùng scandal để tăng độ nổi tiếng, hãy suy nghĩ thật kỹ. Một lần bất tín, vạn lần bất tin. Chỉ 1 lần bạn để khán giả biết bạn thiếu trung thực thì sự nghiệp livestream có thể bị lung lay, khó mà sửa chữa”.

Song cũng không thể phủ nhận việc chia sẻ đời sống cá nhân giúp người livestream gây dựng cộng đồng và tạo lập thương hiệu cá nhân. Anh Tâm cho biết xây dựng thương hiệu cá nhân có 2 phần: định vị giá trị và định vị cá tính.

Trong đó có nhiều cách để thể hiện cá tính như tính cách khi truyền đạt, chia sẻ hoạt động đời tư, câu chuyện xã hội mà họ trải qua,... Có người có kiến thức tuyệt vời nhưng cách chia sẻ không lôi cuốn, không có câu chuyện thú vị nên họ không bật lên được. Có người có chuyên môn bình thường, không đến mức xuất sắc nhưng cá tính của họ quá thú vị nên hiệu quả truyền đạt tốt hơn. Đây là điều vô cùng quan trọng với người livestream.

Vì vậy mà việc lấy câu chuyện đời tư làm “chất liệu” để bán hàng, mang câu chuyện làm quà cho người nghe cũng là một khía cạnh cần cân nhắc. Anh Tâm nói:

“Chúng ta không còn xa lạ gì với chuyện như người này đổi đời, người kia xây nhà báo hiếu cho bố mẹ nhờ livestream. Như Phạm Thoại kể chuyện xây nhà cho mẹ, chuyện ngày xưa được MC Quyền Linh giúp đỡ khi gia đình rất nghèo. Phạm Thoại cũng xây dựng hình ảnh rất cá tính, hay cáu giận và bộc phát cảm xúc trên livestream,...

Việc mang đời tư ra để xây dựng thương hiệu cá nhân thú vị hơn là không sai. Nhưng câu chuyện đấy có ảnh hưởng xấu cho người hâm mộ của họ, cho cộng đồng hay không? Có làm mọi người hiểu lầm tạo hiệu ứng không tốt không? Thế nên cần chia sẻ có chọn lọc, lan tỏa cái tích cực còn tiết chế cái tiêu cực”.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 10.
Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 11.

Phạm Thoại xây nhà khang trang cho mẹ

Anh Phùng Thái Học đồng quan điểm với nhận định này. Anh cho biết với nhóm coi livestream như một kênh rao vặt thì thương hiệu cá nhân không quá quan trọng, đồng thời doanh số và tiền hoa hồng cũng không nhiều bằng nhóm livestream chuyên nghiệp. Còn với những người live chuyên nghiệp, uy tín là sự nghiệp.

“Thương hiệu cá nhân của người livestream quyết định rất lớn đến kết quả của mỗi phiên live. Những câu chuyện đời tư có thể góp phần gia tăng thiện cảm, giúp người xem cảm thấy gần gũi hơn với một ai đó, hiểu được một phần tính cách và con người họ. Nếu biết sử dụng những thông tin đời tư một cách khéo léo và có tiết chế, đây sẽ là một đòn bẩy giúp việc livestream bán hàng hiệu quả hơn” - anh Học bày tỏ.

Những phiên live doanh thu khủng, thu hút rất nhiều người ở nhiều ngành nghề tham gia, được truyền thông và cơ quan chức năng quan tâm, có nhiều câu chuyện bên lề thú vị, megalive và superlive diễn ra dồn dập,... tất cả đều cho thấy năm 2024 là thời điểm tăng trưởng nóng của livestream ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo anh Tâm, trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh trong hành vi mua hàng của khách hàng. Cụ thể, họ sẽ chuyển từ mua hàng bằng cảm xúc sang thông thái:

“Nhiều người mua hàng nhiều tới mức đơn hàng mới giao đến rồi mà đơn hàng cũ còn chưa được mở ra. Họ quyết định mua dựa trên cảm xúc, bị thu hút bởi các flash sale. Nhưng sau giai đoạn đỉnh cao của livestream thì mọi thứ sẽ bị chững lại và giảm xuống.

Hiện tượng này đã từng xảy ra ở Trung Quốc và có thể tái diễn ở Việt Nam, thậm chí đã xảy ra rồi, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Có thể thấy nửa cuối năm 2024 - đầu năm 2025, các phiên livestream khủng không còn nhiều như trước nữa. Khách hàng dần miễn nhiễm, kháng cự lại với các megalive”.

Chuyện gì sẽ xảy ra với livestream bán hàng năm 2025?

Dự đoán về xu hướng livestream trong năm 2025, anh Lê Minh Tâm cho rằng daily live, tức là livestream hàng ngày, sẽ lên ngôi. Bởi năm 2024 là năm của megalive với những con số khủng nhưng để tham gia được phiên live đó, nhãn hàng phải bỏ chi phí để có slot tham gia, phải đưa deal khủng và tỷ lệ đơn hàng hoàn/hủy cũng khá cao. Những lý do đó khiến hiệu quả về mặt lợi nhuận không cao, chỉ có hiệu quả về mặt thương hiệu.

“Năm 2025, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang livestream hàng ngày. Live như thế không có deal khủng, con số lớn nhưng diễn ra đều đặn và trở thành kênh bán hàng chuyên nghiệp. Nếu cửa hàng vật lý trên phố bán từ 9h sáng - 9h tối thì cửa hàng livestream cũng có khung giờ, có nhân viên ngồi trong không gian mô phỏng và tư vấn cho khách. Có thể họ không nói liên tục từ sáng đến tối mà chỉ chủ động giới thiệu sản phẩm trong khung giờ đông người xem, còn lại ai hỏi gì thì mới nói. Đây có thể là nguồn khách hàng ổn định, tạo doanh thu tốt hơn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng không cần phải chi tiền booking và hoa hồng để thuê KOL/KOC bên ngoài mà có thể đào tạo nhân sự nội bộ chuyên livestream. Những người này sẽ hiểu về sản phẩm nhất, livestream đều đặn và giữ tương tác với khách hàng, từ đó sẽ tạo đơn đều”.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 12.

Ngoài ra anh Tâm cũng cho rằng khó để nói livestream sẽ bão hòa hay đi xuống trong năm 2025. Thay vào đó, livestream quay trở lại với vai trò là kênh bán hàng, không đóng vai trò kích cầu mạnh mẽ như trước đây, không tạo cơn sốt xình xịch nhưng sẽ tiếp tục bán hàng bền vững, không mất đi vì vẫn có người yêu thích.

“Khi mua hàng ở đó mọi người cảm thấy có nhiều cảm xúc hơn, vui vẻ hơn. Giống như có người thích đi chợ hơn đi siêu thị, không phải vì đi chợ rẻ hơn mà vui hơn. Nếu đi siêu thị, người ta vào gian hàng, xem giá, nhặt vào giỏ hàng rồi thanh toán, gần như không ai nói chuyện với họ, rất buồn. Còn đi chợ chúng ta có thể nói chuyện với cô hàng cá, người bán rau,... chỗ nào đông thì mình tụ vào. Livestream cũng giống như vậy, có hiệu ứng tâm lý đám đông, có cảm xúc, có sự tương tác và đôi khi nó tạo ra cảm xúc mua hàng.

Việc mua hàng trên livestream đúng tâm lý của nhiều khách hàng nên livestream xứng đáng là một kênh bán hàng ổn định. Nó cũng sẽ không bị biến mất hay bị thờ ơ, quay lưng, chỉ là không còn hot như trước.

Đồng thời livestream cũng sẽ tồn tại và phát triển cùng với nền kinh tế chung, không tách ra như một hiện tượng lạ hay đơn lẻ. Từng có giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng livestream vẫn tăng trưởng tốt. Còn sắp tới sự tăng trưởng của livestream sẽ đi cùng xu hướng kinh tế chung, không còn một mình một đường nữa”.

Với những thay đổi này, anh Tâm khẳng định người live cũng cần có “chiêu” để tiếp tục làm nghề và phát triển trong năm 2025. “Chiêu” quan trọng nhất là tạo giá trị thực cho người xem.

Đầu tiên là giá trị ở chính công việc của người live. Người đó phải trau dồi thêm kiến thức, hiểu biết về sản phẩm, phải có mặt hàng thế mạnh để nghiên cứu sâu hơn về dòng sản phẩm đấy. Họ cũng cần chọn lọc sản phẩm sẽ live, sẽ bán vì nếu bán đồ không tốt, hợp tác với nhãn hàng có vấn đề không tích cực về chất lượng thì ảnh hưởng đến hình ảnh của họ đầu tiên.

Tiếp theo là giá trị đạo đức nghề nghiệp, cái tâm với nghề, không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, không đánh mất uy tín của mình, đặt lợi ích của khách hàng lên đầu tiên.

Cuối cùng là giá trị đem đến cho cộng đồng thông qua hoạt động sáng tạo nội dung, lan tỏa năng lượng tích cực như thiện nguyện, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, văn hóa lịch sử,... Nhìn chung là những điều tích cực và chân thành thì sẽ được công chúng ủng hộ.

Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 13.
Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 14.
Livestream là nghề sống khỏe nhất 2024, sang 2025 phải tung chiêu gì? Chuyên gia đưa 3 lời khuyên, ai nhanh thì “hốt bạc” tiếp!- Ảnh 15.

Nhiều người livestream có hoạt động giúp đỡ cộng đồng

(Ảnh: Tổng hợp)

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/livestream-la-nghe-song-khoe-nhat-2024-sang-2025-phai-tung-chieu-gi-chuyen-gia-dua-3-loi-khuyen-ai-nhanh-thi-hot-bac-tiep-a44892.html