Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, nhưng...

Với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, ngành thủy sản đã về đích ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2024. Dù vậy, ngành hàng này vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là mục tiêu tăng trưởng hai con số theo chiến lược phát triển đến năm 2030.

Kết quả ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP ), năm 2024 với nhiều khó khăn và thách thức từ tác động của lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu (XK) khan hiếm, cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu… nhưng ngành thủy sản Việt Nam với nhiều nỗ lực đã đạt được kết quả XK khích lệ.

Cụ thể, XK thủy sản cả nước cán đích 10 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị XK cao như tôm 4 tỷ USD (tăng gần 17%); cá tra 2 tỷ USD (tăng hơn 9%); cá ngừ 1 tỷ USD (tăng 17%); mực, bạch tuộc trên 600 triệu USD…

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP - cho rằng, dù kết quả XK thủy sản năm 2024 là ấn tượng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định. Trong 5-6 năm qua, XK thủy sản chỉ cầm chừng 8-10 tỷ USD/năm (ngoại trừ năm 2022), trong khi theo chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, mục tiêu mong muốn là 14-16 tỷ USD, tức phải giữ được tốc độ tăng trưởng 10-15%/năm.

Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, nhưng...- Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng - cho rằng, những số liệu lạc quan như sản lượng tôm, cá nuôi tăng, chế biến tăng và dẫn đến kim ngạch XK tăng trưởng, song niềm vui này chưa trọn vẹn bởi còn không ít thách thức. Trong đó, hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra đều có những vấn đề về con giống, con tôm cần con giống chống chịu bệnh tốt hơn, cá tra cần con giống tỷ lệ thu hồi cá thương phẩm cao hơn.

Theo ông Lực, tình hình giá tôm thương phẩm biến động khiến không ít DN tôm gặp khó. DN nào có chiến lược bền vững, có sách lược cho từng bước đi phù hợp thì còn cầm cự, còn có lãi. DN nào sơ suất sẽ rơi vào tình thế khó khăn ngay, dù DN nhỏ hay lớn…

Cần động lực cho tăng trưởng

Dự báo tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu chỉ đạt mức 5-6%/năm trong khi ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng XK hai con số. Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu này, ngành không chỉ cố gắng giữ vững thị phần, tăng hàm lượng chế biến giá trị gia tăng mà cần nghiên cứu để có một mô hình tăng trưởng mới phù hợp.

Tạo động lực cho nông - ngư dân nuôi trồng và khai thác là vấn đề cốt lõi quan trọng, bởi nguyên liệu cho XK và tiêu dùng là vấn đề sống còn, là tiền đề cho tăng trưởng. Theo ông Nam, nông - ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, bất cập. Làm sao để ngư dân, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật (bao gồm cả IUU), có động lực để khai thác biển, tái đầu tư để vươn khơi, nông dân có động lực mới để đầu tư, tăng cường các hoạt động nuôi trồng thủy sản cả trên đất liền và trên biển.

Để tạo động lực cho doanh nghiệp (DN), đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho thủy sản Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng XK, bảo hiểm nông nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính , chuyển đổi số...

Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, nhưng...- Ảnh 2.

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nguồn lợi thủy sản. Ảnh: CK

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho ngành thủy sản như thẻ vàng IUU, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các rào cản từ thị trường... Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các DN sẽ giúp gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Tiến, để đạt mục tiêu vượt mốc 10 tỷ USD, tiến tới 11 tỷ USD trong năm 2025, ngoài trách nhiệm của Bộ, các địa phương, vai trò của VASEP, cộng đồng DN, bà con nông ngư dân trong ngành phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt liên quan đến quy định sử dụng hóa chất, kháng sinh, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải, bảo vệ môi trường...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, để tiếp tục mở rộng thị trường, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... cần tập trung XK đi các thị trường Halal, Trung Đông... Thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao tỷ trọng XK các mặt hàng giá trị gia tăng…

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/xuat-khau-thuy-san-can-dich-10-ty-usd-nhung-a45237.html