Tràn lan mứt Tết "3 không"
Những ngày này, thị trường kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo cho dịp Tết đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mứt Tết được bày bán đa dạng với đủ loại hương vị từ chợ truyền thống, siêu thị đến các kênh online.
Theo khảo sát, giá các loại mứt trên giao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg. Theo chủ một cửa hàng tại Hàng Buồm, mức giá 250.000 đồng/kg là dành cho những mặt hàng nhập từ các vùng Huế, Sài Gòn… với chất lượng tốt hơn và ngon hơn.
Tuy nhiên, đa phần tất cả các sản phẩm mứt Tết tại các chợ, các cửa hàng đều có điểm chung là “3 không” - không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng khiến không ít người tiêu dùng hoang mang.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Bùi Thị Mai - chủ một gian hàng tại chợ Đồng Xuân nói: “Mứt ở đây là hàng tôi nhập từ các cơ sở làm thủ công. Khách quen năm nào cũng mua, chất lượng thì mọi người ăn thử đều thấy, không cần phải có bao bì mới là chất lượng”.
Trái ngược với chợ truyền thống, các siêu thị lớn như Big C, WinMart hay CoopMart cung cấp các sản phẩm mứt Tết được đóng gói, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng. Các mặt hàng này thường được sản xuất bởi những thương hiệu uy tín như Hữu Nghị, Bibica, và giá thành thường cao hơn so với các loại mứt tại chợ.
Chị Thu Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tôi chọn mua mứt ở siêu thị vì an tâm hơn, dù giá có cao hơn chút. Với các sản phẩm Tết, tôi ưu tiên sức khỏe của gia đình”.
Bên cạnh chợ truyền thống và siêu thị, các kênh bán hàng online, đặc biệt là Facebook, đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người tiêu dùng trong dịp Tết. Trên các hội nhóm, fanpage bán hàng, những sản phẩm mứt Tết từ các đặc sản vùng miền như mứt gừng Huế, mứt dâu Đà Lạt hay mứt vỏ bưởi Sài Gòn được rao bán rầm rộ với hình ảnh bắt mắt và lời giới thiệu hấp dẫn.
Chị Nguyễn Lan - một người bán hàng online lâu năm trên Facebook, chia sẻ: “Khách hàng thích đặt mứt Tết qua mạng vì tiện lợi. Họ chỉ cần nhắn tin, tôi sẽ giao tận nhà. Mứt bên tôi đều là hàng làm thủ công, không chất bảo quản, đảm bảo ngon và sạch.”
Tuy nhiên, sự nở rộ của hình thức kinh doanh này cũng kéo theo nhiều vấn đề. Không ít trường hợp sản phẩm không giống như hình ảnh quảng cáo, hoặc người mua gặp khó khăn khi muốn đổi trả.
Anh Đình Hoàng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: “Tôi từng đặt mứt dừa qua Facebook. Ảnh quảng cáo thì mứt trắng đẹp, nhưng khi nhận hàng thì lại thấy ẩm, màu ngả vàng. Nhắn lại với người bán thì họ bảo hàng handmade nên không đồng đều. Họ nói thế nào thì tôi cũng chỉ biết như vậy, không thể nào kiểm chứng được chất lượng sản phẩm”.
"Cần sự chung tay, đồng lòng, đồng sức"
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết cũng không có cơ sở nào để đánh giá những sản phẩm mứt Tết trên là không an toàn. Tuy nhiên, nguy cơ không an toàn thì có, vì những sản phẩm trên không ai kiểm soát.
Về nguyên tắc, theo quy định của Nhà nước ta cũng như của Bộ Công thương, tất cả mọi sản phẩm bán ra thị trường đều phải có nhãn mác để thể hiện nơi sản xuất, có xuất xứ, được đảm bảo và được kiểm soát.
“Chúng ta là nền kinh tế nhỏ bé, Tết đến những người sản xuất trong gia đình thường tranh thủ tự làm mứt để kiếm thêm chút tiền nên không thể kiểm soát hết được. Nếu như nhà sản xuất lớn thì có thể là hàng chục, còn người sản xuất nhỏ, quy mô ở làng, xã rồi là ở những cái ngõ phố này thì lên tới hàng nghìn”, ông Thịnh cho biết.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đề xuất biện pháp giáo dục kết hợp với kỷ cương. Kỷ cương là hình phạt, giáo dục là nhắc nhở mọi người tự giác.
Bên cạnh báo chí, đài báo nhắc nhở Nhân dân, các cơ quan đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn,.. tất cả những tổ chức đó phải chung tay giáo dục, nhắc nhở hội viên về trách nhiệm, sức khỏe cộng đồng.
“Đối với tôi, việc làm ăn tùy tiện, tranh cướp nhau vô tổ chức, vô kỷ luật cũng là dạng kẻ thù kiểu mới trong thời kỳ xây dựng hòa bình. Vì vậy, cần sự chung tay, đồng lòng, đồng sức của cả cộng đồng chứ không phải một tổ chức riêng lẻ nào”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Với người dân, vị chuyên gia cho rằng không phải sản phẩm nào có nhãn mác cũng an toàn, nhưng ít ra là an toàn hơn. Trường hợp nếu không an toàn thì có số điện thoại, có địa chỉ để kiện, để các quan chức năng biết mà nhắc nhở.
Trước hết thì để người dân có thể chia sẻ cho nhau những dấu hiệu để phân biệt giữa thực phẩm xấu và thực phẩm tốt. Với những quy mô nhỏ thì người dân truyền tai nhau, quy mô lớn hơn thì cần được các cơ quan thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, dù người dân có “thông thái” đến mức nào đi chăng nữa cũng sẽ bị qua mắt, cái quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải thay mặt cho người dân để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, củng cố lòng tin người tiêu dùng.
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/than-trong-san-pham-mut-tet-3-khong-tran-lan-tren-thi-truong-a45772.html