Chuyên gia ủng hộ biểu giá điện sản xuất cho các trạm sạc xe điện

Giới chuyên gia khuyến cáo, giá bán lẻ điện cho các trạm sạc xe điện cần áp dụng theo biểu giá điện cho sản xuất nhằm hỗ trợ tối đa cho phương tiện xanh, từ đó hiện thực hóa mục tiêu Net Zero năm 2050 của Chính phủ.

Chuyên gia ủng hộ biểu giá điện sản xuất cho các trạm sạc xe điện- Ảnh 1.

“Muốn có nền kinh tế xanh, cần hỗ trợ tối đa cho xe điện”

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đáng chú ý, về cơ cấu giá bán lẻ điện áp dụng cho trạm, trụ sạc xe điện, Bộ Công Thương nêu ra 3 phương án. Phương án 1 là áp dụng theo giá điện kinh doanh. Phương án 2 là cơ cấu biểu giá được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ điện gây ra cho hệ thống điện. Với phương án 3, cơ quan soạn thảo để xuất áp dụng giá bán lẻ điện tại các trạm sạc theo giá điện cho sản xuất.

Đây cũng là 3 phương án được Bộ Công Thương đưa ra cuối năm 2023 trong dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong số 3 phương án trên, Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với phương án 3, áp dụng biểu giá điện bán lẻ cho trạm sạc theo giá điện cho sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải.

Đây cũng là phương án nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chuyên gia. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nêu quan điểm, điện thực tế cũng là đầu vào của ngành giao thông vận tải trong điều kiện ngày càng nhiều các hãng taxi, đơn vị vận tải đang chuyển đổi sang xe điện. Xu hướng này theo ông là tất yếu và thậm chí sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Bởi thế, việc áp giá điện sản xuất tại các trạm sạc theo ông không chỉ phù hợp về quy định mà còn là cách thiết thực nhất để đảm bảo ổn định dịch vụ, sản phẩm thiết yếu cho người dân.

Nhìn rộng hơn, theo TS Đinh Thế Hiển, lợi ích của xe điện là không cần bàn cãi trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới kinh tế xanh. Để thực sự có sự chuyển đổi theo hướng bền vững, vị chuyên gia cho rằng cần có “cuộc cách mạng” trong việc tạo ra hệ sinh thái xanh cho người dân cũng như khuyến khích cộng đồng chuyển đổi sang phương tiện điện.

“Trong nhiều năm chúng ta kìm giá xăng, dầu, Nhà nước phải hỗ trợ, bù lỗ để hỗ trợ người dân, để phát triển giao thông vận tải, giao thương dù đó là nguồn nhiên liệu phát thải. Bây giờ là lúc Việt Nam cũng cần quyết sách tương tự, thậm chí là tốt hơn với giá điện cho trạm sạc để hỗ trợ cho kinh tế xanh, hiện đại”, TS Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.

Vị chuyên gia bày tỏ nhiều kỳ vọng về định nghĩa kinh tế xanh của Việt Nam khi được đặt trên nền tảng là ô tô điện – một sản phẩm công nghệ hiện đại. “Nền kinh tế xanh phù hợp với xu thế công nghệ hiện đại sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, trở thành trung tâm kinh tế tầm cỡ quốc tế. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải có một môi trường vượt trội, bằng việc hỗ trợ hết sức cho hệ sinh thái xanh”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Cần loạt chính sách căn cơ cho xe điện

Lên tiếng về biểu giá điện dành cho các trạm sạc, bà Cao Hà Linh, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính dẫn kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước đang có chính sách về giá điện theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

“Đơn cử như Thái Lan, cơ quan điều tiết năng lượng nước này đang áp dụng biểu giá điện ưu đãi cho các trạm sạc thấp hơn giá khung giờ thấp điểm. Indonesia cũng đang áp dụng cách tính giá điện cho hệ thống sạc thấp hơn giá điện thông thường”, bà Linh nêu ví dụ.

Tại những nước có xe điện phát triển, chính sách ưu đãi về giá điện tại các trạm sạc cũng đã sớm phổ biến. Như tại Mỹ, giá điện cho trạm sạc trung bình khoảng 0,13 USD/kWh, tương đương 3.217 đồng/kWh, thấp hơn nhiều giá điện bán lẻ sinh hoạt tại nước này. Tương tự, Trung Quốc tính giá sạc điện tại trạm công cộng theo giá điện công nghiệp, thấp hơn giá điện kinh doanh.

Bởi vậy, trong 3 phương án của Bộ Công Thương, vị chuyên gia cũng ủng hộ phương án biểu giá điện sản xuất, tương đương thông lệ các nước đang sử dụng. Ngược lại, bà phản đối việc áp dụng biểu giá điện cao, đặc biệt là phương án giá điện kinh doanh. Không chỉ đi ngược lại xu thế của thế giới, việc tính giá điện với mức cao sẽ triệt tiêu động lực chuyển đổi xanh của đông đảo người dân.

Bình luận thêm theo hướng này, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, không chỉ Mỹ, Trung Quốc, rõ ràng nhiều nước Đông Nam Á cũng đang có chiến lược riêng để tăng tốc phát triển theo hướng bền vững, từ việc ưu đãi giá điện cho hệ thống trạm sạc, thúc đẩy người dân chuyển đổi sang xe điện.

“Việt Nam chậm hơn một nhịp muốn vượt lên càng cần chính sách quyết liệt. Các tổ chức quốc tế cũng đã khuyến cáo Việt Nam phải tập trung vào vấn đề môi trường và kinh tế 4.0. Chính sách giá bán lẻ điện cho trạm sạc chính là một trong giải pháp ta có thể đặt lên trước, để ta vượt lên trước, tạo động lực cho Việt Nam”, TS Đinh Thế Hiển nói.

Căn cơ hơn, theo ông, ngoài chính sách về giá điện, Việt Nam cần tính tới những chính sách đồng bộ hơn nữa để khuyến khích xe điện, song song cùng việc hạn chế dần việc sử dụng xe động cơ đốt trong.

“Riêng về xe điện, chúng ta cần nghiên cứu những chính sách ra tấm ra món, như kéo dài miễn lệ phí trước bạ, ưu tiên chỗ đỗ, mặt bằng trạm sạc, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…”, vị chuyên gia đề xuất.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/chuyen-gia-ung-ho-bieu-gia-dien-san-xuat-cho-cac-tram-sac-xe-dien-a45797.html