"Cú sốc" của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á: Mỹ trừng phạt khiến quốc gia này không thể mua dầu Nga giá rẻ, tổn hại hơn cả Trung Quốc

Ấn Độ có nguy cơ đánh mất 500.000 thùng dầu Nga mỗi ngày.

"Cú sốc" của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á: Mỹ trừng phạt khiến quốc gia này không thể mua dầu Nga giá rẻ, tổn hại hơn cả Trung Quốc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các lệnh trừng phạt toàn diện của Hoa Kỳ đối với các công ty năng lượng và nhà điều hành tàu chở dầu của Nga sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Ấn Độ trong việc tiếp tục nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga và có thể đẩy lạm phát lên cao ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, theo CNBC.

Bob McNally, Chủ tịch Rapidan Energy Group cho biết đất nước này có thể phải đối mặt với một cú sốc dầu tiềm tàng.

"Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc do các lệnh trừng phạt, vì Ấn Độ nhập khẩu lượng dầu từ Nga lớn hơn nhiều so với Trung Quốc", ông nói với CNBC.

Hôm 10/1, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố lệnh trừng phạt đối với hai nhà sản xuất dầu của Nga, cùng với 183 tàu, chủ yếu là tàu chở dầu đã vận chuyển các thùng dầu thô của Nga.

Theo dữ liệu của Chính phủ, quốc gia Nam Á này đã nhập khẩu 88% nhu cầu dầu của mình trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 11/2024, hầu như không thay đổi so với một năm trước đó. Khoảng 40% lượng hàng nhập khẩu trên đến từ Nga, dữ liệu từ công ty tình báo thương mại Kpler cho thấy.

Trong số 183 tàu chở dầu mới bị trừng phạt, 75 tàu trong số đó đã từng vận chuyển dầu của Nga đến Ấn Độ. Chỉ riêng năm ngoái, 183 tàu chở dầu bị trừng phạt đã vận chuyển khoảng 687 triệu thùng dầu thô, trong đó 30% được vận chuyển đến Ấn Độ.

"Hầu hết các thùng dầu này đã đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và do đó, tác động có thể sẽ lớn nhất ở đó", chiến lược gia hàng hóa cấp cao của BNP Paribas Aldo Spanier cho biết.

"Cú sốc" của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á: Mỹ trừng phạt khiến quốc gia này không thể mua dầu Nga giá rẻ, tổn hại hơn cả Trung Quốc- Ảnh 2.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 dầu thô của Nga trong tháng 11/2024

Các lệnh trừng phạt diễn ra vào đúng thời điểm Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào năm 2025, chiếm 25% tổng mức tăng trưởng tiêu thụ dầu trên toàn cầu.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu vận tải và nhiên liệu nấu ăn tại nhà sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng 330.000 thùng/ngày trong năm nay - mức tăng cao nhất trong số các quốc gia, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.

Dữ liệu mới nhất của EIA cho thấy Ấn Độ đã tiêu thụ 5,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Mức tiêu thụ này dự kiến sẽ tăng 220.000 thùng/ngày.

"Nếu Ấn Độ tuân thủ hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, chúng ta có thể thấy lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga giảm mạnh vào tháng 2 và có khả năng là tháng 3", ông Xu nói thêm.

Nhà phân tích cấp cao Viktor Kurilov của Rystad Energy đánh giá rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung đối với Ấn Độ có thể lên tới 500.000 thùng/ngày.

Mặc dù tác động có thể giảm thiểu khi các nhà nhập khẩu vội vã tìm nguồn cung ứng thay thế ở Trung Đông, một số người theo dõi cho rằng sự cứu trợ này có thể mất vài tuần đến vài tháng mới có hiệu quả.

Trên thực tế, nền kinh tế Ấn Độ "rất dễ bị tổn thương" trước những biến động của giá dầu, một bài báo nghiên cứu được công bố vào năm 2023 đã xác định.

Giá bán lẻ xăng và dầu diesel trong nước tăng vọt "như tên lửa" để ứng phó với giá dầu thô tăng, Abdhut Deheri, Trợ lý Giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Vellore và M. Ramachandran từ khoa kinh tế của Đại học Pondicherry cho biết trong bài báo nghiên cứu.

Phân tích từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ năm 2019 cho thấy cứ mỗi 10 USD/thùng dầu tăng giá có thể dẫn đến mức tăng 0,4% trong lạm phát chung.

"Giá dầu cao, nếu được chuyển cho người tiêu dùng, có thể làm tổn hại thêm đến sức mua của họ vào thời điểm thu nhập và tăng trưởng GDP đã chậm lại", theo Dhiraj Nim, một nhà kinh tế tại ANZ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ phải trả nhiều tiền hơn cho lượng dầu họ tiêu thụ mà còn phải trả nhiều tiền hơn để vận chuyển dầu đến bờ biển của họ vì giá tàu chở dầu cũng tăng cao.

Đất nước này không còn xa lạ với các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu cao. Năm 2018, các cuộc biểu tình lan rộng trên khắp đất nước phản đối giá xăng và dầu diesel cao kỷ lục đã dẫn đến việc đóng cửa các doanh nghiệp và trường học ở một số khu vực.

Tham khảo: CNBC

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/cu-soc-cua-nen-kinh-te-lon-thu-3-chau-a-my-trung-phat-khien-quoc-gia-nay-khong-the-mua-dau-nga-gia-re-ton-hai-hon-ca-trung-quoc-a45978.html