Tôi chân thành khuyên bạn nên học 2 bạn trẻ Hà Nội này để tiết kiệm được thêm vài triệu mỗi tháng

Không còn tiêu xài hoang phí, họ đã học cách quản lý tài chính để gia tăng quỹ tiết kiệm hàng tháng.

Không còn tiêu xài hoang phí

Công Đức (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ anh vốn là người không thích ghi chép lại từng khoản chi tiêu theo ngày. Trước đây, anh cho rằng mình có thu nhập tốt, lại đang tiết kiệm được nhiều chi phí do đang sống cùng nhà với bố mẹ, do đó chuyện phải kiểm soát tài chính chặt chẽ là không cần thiết. Thêm vào đó, Công Đức từng nghĩ việc ghi chép từng khoản tiêu dùng vụn vặt khá mệt mỏi và có thể ảnh hưởng đến niềm vui trong cuộc sống.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ giữa năm ngoái. Khi đó, những người đồng nghiệp xung quanh đồng loạt rơi vào bão sa thải, còn bản thân Công Đức bị cắt giảm lương. Điều này khiến chàng trai hoang mang hơn bao giờ hết khi nghĩ đến viễn cảnh có thể thất nghiệp.

Công Đức nhớ lại: "Mình nhận ra bản thân không thể cứ sống thoải mái, ung dung tiền nong như trước. Tình cờ giai đoạn này mình cũng tìm hiểu về quản lý tài chính nhiều hơn, nên đã có những thay đổi lớn tới cách bản thân tiêu tiền".

Tôi chân thành khuyên bạn nên học 2 bạn trẻ Hà Nội này để tiết kiệm được thêm vài triệu mỗi tháng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Để có thể đưa ra công thức tài chính phù hợp cho bản thân, trước đó Công Đức đã dành 2 tháng để ghi chép lại từng khoản tiêu dùng hàng ngày của mình - một việc mà trước đó chàng trai cực kỳ ghét bỏ, nhưng khi theo đuổi lại thấy hiệu quả vô cùng.

Công Đức cho hay: "Sau khi ghi chép chi tiêu, mình mới biết bản thân đã tiêu hoang phí như thế nào. Trước kia, mình nghĩ bản thân chỉ dành khoảng 10 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt là cùng, thế nhưng con số thực tế là 17 triệu đồng, tức gần gấp đôi so với tưởng tượng. Hay mình phát hiện bản thân đã bỏ tiền vào những khoản không bao giờ dùng đến, chẳng hạn mua bộ đồ chơi 3 triệu, hay cái mũ 500 ngàn đồng,... rồi vứt xó.

Nhìn chung, sau khi ghi chép chi tiêu hàng ngày, mình đã biết được hàng tháng, bản thân nên tiêu tiền cho các nhu cầu cuộc sống như thế nào. Đồng thời, mình bỏ đi được khá nhiều khoản chi tiêu theo kiểu 'ném tiền ra cửa sổ'".

Cùng hoàn cảnh là Thảo My (27 tuổi) đang làm nhân viên ngành Marketing tại Hà Nội. Cô cho hay trước kia, dù muốn có quỹ tiết kiệm nhưng vì không biết quản lý tài chính nên cô kiếm được bao nhiêu là tiêu hết sạch. Nhưng từ năm 2024, cô đã học được cách sống tiết kiệm hơn.

"Cách sống của mình giờ là tích tiểu thành đại từ những khoản tiền nhỏ nhất. Mong rằng trong những năm tiếp theo, mình sẽ mua được bất động sản cho riêng mình, trong khi vẫn còn sức khoẻ, ý chí để đi làm và phấn đấu", GenZ tâm sự.

Tôi chân thành khuyên bạn nên học 2 bạn trẻ Hà Nội này để tiết kiệm được thêm vài triệu mỗi tháng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Chi tiêu tối giản, kiểm soát thu chi chặt chẽ

Công Đức cho biết, để sống tiết kiệm thì giờ anh buộc mình phải chia nhỏ thu nhập hàng tháng cho các mục đích khác nhau.

Công Đức chia sẻ: "Mình chia thu nhập hàng tháng theo công thức khá phổ biến là 50-30-20. Mình dành 30% thu nhập cho chi tiêu bắt buộc, là tiền biếu bố mẹ do đang ở cùng gia đình, xăng xe đi lại, chi phí dùng điện thoại,... 20% thu nhập mình dành cho nhu cầu giải trí, gồm đi du lịch, cafe, liên hoan cùng bạn bè,... Còn lại bao nhiêu mình dành cho tiết kiệm và đầu tư".

Trong khi đó, với mức lương 21 triệu/tháng, Thảo My buộc bản thân chỉ chỉ tiêu 10 triệu cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu sẽ cất đi để tiết kiệm và đầu tư. Cô nàng cho hay: "Mình dành 4 triệu để gửi bố mẹ chi phí sinh hoạt vì đang sống ở nhà. Tiếp theo, mình dành 3 triệu để trả tiền mua mỹ phẩm, đồ đạc, ăn uống và xăng xe. Khoảng 3 triệu còn lại, mình dành để mua một số nhu cầu cá nhân khác".

Thảo My chia sẻ một số mẹo để sống tiết kiệm: "Thứ nhất, sau khi chuyển công ty thì cũng mình chuyển từ nơi đang sinh sống là quận nội thành về quê sống cùng bố mẹ. Mỗi ngày, mình tốn 2 tiếng cho việc di chuyển nhưng có thể tiết kiệm được 4 triệu tiền thuê nhà.

Bên cạnh đó, giờ mình sống tối giản hơn trước rất nhiều. Mình không còn chi tiền mua quá nhiều quần áo, thay ăn ngoài hàng bằng tự nấu cơm mang đi. Nhiều chị đồng nghiệp cũng thấy bất ngờ vì ngày nào mình cũng mang cơm đi làm. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Mua đồ ở đây mình thấy mức giá rẻ hơn, nếu thử đồ mà không phù hợp thì có thể hoàn lại tiền dễ dàng".

Tôi chân thành khuyên bạn nên học 2 bạn trẻ Hà Nội này để tiết kiệm được thêm vài triệu mỗi tháng- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Sau khi dành tiền cho chi phí sinh hoạt thì giờ đây Thảo My có 11 triệu tiết kiệm hàng tháng và cô dùng phần lớn để mua vàng. Được biết, cô bạn đã bắt đầu mua vàng từ giữa năm 2021. Nhưng chỉ từ năm 2024, cô bạn mới hoàn thành được mục tiêu: Tháng nào cũng đều đặn phải mua được 1 chỉ.

Sau khi nhận tiền lương hàng tháng, Thảo My luôn trích ra một khoản để mua vàng đầu tiên. Vì cứ suy nghĩ giữ tiền lương hàng tháng, chi tiêu xong rồi mới tiết kiệm hoặc mua vàng thì cũng có ngày tiêu hết.

Bên cạnh mua vàng, Thảo My còn mua thêm cổ phiếu quỹ và gửi tiết kiệm nếu tháng nào kiếm được thêm từ công việc tay trái. Không chỉ thế, Thảo My còn có một khoản nhỏ để gửi tiết kiệm hàng tháng, dùng như một quỹ dự trữ cho các tình huống khẩn cấp, phát sinh.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/toi-chan-thanh-khuyen-ban-nen-hoc-2-ban-tre-ha-noi-nay-de-tiet-kiem-duoc-them-vai-trieu-moi-thang-a46043.html