Khi nói đến vườn nho hơn 1.000m2 tươi tốt gần 2 năm tuổi của anh Cao Thanh Thái (SN 1988), thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi, với địa hình đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, nhiều người sẽ nghĩ về chăn nuôi, trồng rừng hay những loại cây ăn quả có múi chứ không ai nghĩ đến việc.. trồng nho.
Chỉ tay về phía hàng trăm gốc nho đang phát triển rất tốt, anh Thái chia sẻ cơ duyên đến với nghề. Theo anh Thái, sau nhiều năm xa xứ, lăn lộn từ Bắc vào Nam với hy vọng tìm cơ hội đổi đời nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Nên anh đã mạnh dạn đề xuất với gia đình vay vốn để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Nhật Bản. Công việc chính của anh là làm công nhân ở các nhà máy, công trình theo hợp đồng.
"Ngoài giờ đi làm công nhân, vào ngày nghỉ, tôi xin giúp việc ở một trang trại trồng nho. Cơ duyên với nghề có lẽ cũng nung nấu từ đây", anh Thái chia sẻ.
Sau nhiều năm làm việc, anh Thái đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình: "Mặc dù ở quê điều kiện sản xuất khó khăn nhưng ở nước ngoài còn khó hơn nhiều, vậy nhưng họ vẫn làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp.
Từ các vườn cà chua, rau củ thông thường đến những nhà màng, nhà kính trồng dưa lưới, trồng nho mang lại giá trị cao, hơn nữa các trang trại này cũng có rất nhiều người Việt làm việc. Một ý tưởng bất chợt hiện lên và ấp ủ suốt những năm anh Thái làm việc ở nơi đất khách.
Gần 6 năm xuất khẩu lao động, ngoài những đồng vốn tích lũy, anh Thái học thêm được kỹ thuật, quy trình chăm sóc các giống cây nho.
Năm 2022 anh Thái trở về nước và bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã ấp ủ. Để có thêm các kinh nghiệm, anh đã đi khắp các tỉnh, tìm hiểu những mô hình trồng nho hiệu quả để học hỏi.
Khi thử nghiệm một vài loại cây giống nho tại vườn nhà, anh Thái đã bàn với mẹ "bán non" hơn 1ha đất trồng keo của gia đình, san đất làm nhà màng trồng nho.
"Thấy tôi trồng nho ngay tại vùng đất cằn cỗi của quê hương, nhiều người ngỡ ngàng, lắc đầu ái ngại. Họ nói, đi nước ngoài về có vốn thì nên lập gia đình, làm nhà và tìm một việc nào đó để kinh doanh. Không ai nghĩ tôi sẽ thành công với cây nho ở vùng đất Liêm Hóa vốn rất "kén" cây này", anh Thái nhớ lại.
Tại trang trại, hàng trăm gốc nho phát triển đều tắp lự trong các nhà màng. Anh Thái tỉ mẩn cắt tỉa từng chiếc lá trong vườn nho và cho biết gần như ngày nào anh cũng túc trực ở vườn, từ làm giàn, vun gốc, cắt tỉa, làm cỏ, bón phân, tưới nước... bởi thuê mướn nhân công người ta cũng không làm được theo yêu cầu kỹ thuật.
Không phải ngẫu nhiên mà cây nho thường được nhiều người gọi vui là cây "quý tộc". Bởi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, có rất nhiều giống nho và mỗi loại đều thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau.
Anh Thái chọn cây giống nho sữa xuất xứ từ Hàn Quốc với hơn 400.000 đồng/cây và giống nho Hạ đen từ Trung Quốc (60.000 đồng/cây) trồng trên diện tích hơn 1.000m2 với hơn 360 gốc nho, phần đất còn lại trồng các loại cây ăn quả từ Đài Loan.
Riêng đầu tư trồng nho, anh Thái đã tiêu tốn gần 500 triệu đồng, số tiền lớn mà anh vất vả kiếm được trong những tháng ngày xa xứ. Nhưng rồi đất không phụ người, sau gần 2 năm vườn nho của anh Thái đã sinh trưởng, thích nghi tốt. Vụ đầu giữa năm 2024, vườn nho đã cho ra quả bói, dù chưa sai trĩu nhưng quả ngọt, mát đúng chất lượng cây giống đã chọn.
Nếu vụ mùa sắp tới, cây nho ra trĩu quả, đạt tiêu chuẩn (3-4kg quả/gốc) và chất lượng bảo đảm, anh Thái sẽ mở rộng thêm vườn nho. Anh Thái dự định ngoài việc thu hoạch từ quả, vườn nho hứa hẹn sẽ là điểm "check-in" thú vị cho du khách địa phương khi đến nơi đây.
Ông Đinh Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hóa cho hay, mô hình trồng nho của anh Cao Thanh Thái là mô hình hoàn toàn mới tại địa phương nhưng rất có triển vọng. Hiện, địa phương đang ưu tiên hỗ trợ cho anh Thái tham gia các lớp tập huấn về thị trường, thương mại điện tử cũng như các nguồn vốn ưu đãi.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng, mô hình trồng nho sẽ mở ra một hướng đi mới, mang lại hiệu quả bền vững không chỉ cho gia đình anh mà cả bà con ở địa phương", ông Hải nói.
Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/nguoi-dan-ong-dua-cay-quy-toc-ve-mien-nui-lam-giau-a46054.html