Sản vật tỷ đô của Việt Nam đạt kỷ lục, hơn 1/3 thế giới "chốt đơn", Trung Quốc yêu thích nhất chiếm 72%

Trung Quốc tăng cường thu mua sản phẩm này của Việt Nam do sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau các chính sách kích thích kinh tế.

Sản vật tỷ đô của Việt Nam đạt kỷ lục, hơn 1/3 thế giới "chốt đơn", Trung Quốc yêu thích nhất chiếm 72%- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ bởi AI

Cao su là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngành cao su Việt Nam giữ vị trí thứ 5 về diện tích, thứ 3 về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới. Việt Nam hiện có 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền chiếm 52% và cao su đại điền chiếm 48%.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 2 triệu tấn, trị giá 3,4 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao su cao nhất từ trước tới nay. Trước đây, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt cao nhất vào năm 2022 với 3,3 tỷ USD.

Con số 3,4 tỷ USD mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su (tươi và sơ chế). Nếu tính tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2024 thì con số này lên đến 10,2 tỷ USD. Đây cũng là mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Sản vật tỷ đô của Việt Nam đạt kỷ lục, hơn 1/3 thế giới "chốt đơn", Trung Quốc yêu thích nhất chiếm 72%- Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), sở dĩ kim ngạch xuất khẩu cao su tăng mạnh trong năm 2024, chủ yếu là nhờ giá cao su xuất khẩu tăng cao. Giá xuất khẩu bình quân cao su trong cả năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với giá bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn.

Trong năm 2024, giá cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong 10 tháng năm 2024, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên là 12,1 triệu tấn thì sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu chỉ đạt 11,2 triệu tấn.

Như vậy, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu trong 10 tháng năm 2024 bị thiếu hụt khoảng 900.000 tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng cao.

Sản vật tỷ đô của Việt Nam đạt kỷ lục, hơn 1/3 thế giới "chốt đơn", Trung Quốc yêu thích nhất chiếm 72%- Ảnh 3.

Việt Nam đã xuất khẩu cao su đến hơn 80 quốc gia. Tuy nhiên, thị trường chủ lực, chiếm lượng lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam là Trung Quốc. Năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt gần 1,5 triệu tấn , trị giá 2,4 tỷ USD, giám 8,5% về lượng nhưng tăng gần 11% về kim ngạch so với năm 2023. Trung Quốc chiếm 72% về lượng và 71% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024.

Trong năm qua, Trung Quốc tăng cường thu mua cao su của Việt Nam do sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau các chính sách kích thích kinh tế, như các gói tài trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đã thúc đẩy nhu cầu cao su trong nước và xuất khẩu, đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô.

Cùng với việc chiếm lượng lớn hàng xuất khẩu cao su của Việt Nam, giá mặt hàng này xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có xu hướng tăng.

Trong tháng 1/2024, giá bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.388 USD/tấn, và tăng lên mức 1.433 USD/tấn trong tháng 2. Tháng 4, giá cao su bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.510 USD/tấn, đạt bình quân 1.619 USD/tấn trong tháng 7. Tháng 9/2024, giá xuất khẩu bình quân 1.724 USD/tấn, và tháng 11/2024 là 1.905 USD/tấn, cao hơn 40% so với tháng 11/2023.

Giá bình quân xuất khẩu các chủng loại cao su sang Trung Quốc trong năm 2024 đều tăng so với năm 2023, trong đó có nhiều chủng loại tăng rất mạnh.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, cao su RSS1 tăng 43%; Latex tăng 37%; SVR CV50 tăng 31%; RSS3 tăng 30%; SVR CV60 tăng 25%; hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp tăng 25%; SVR3L tăng 24%; SVR10 tăng 21%...

Sản vật tỷ đô của Việt Nam đạt kỷ lục, hơn 1/3 thế giới "chốt đơn", Trung Quốc yêu thích nhất chiếm 72%- Ảnh 4.

Thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu cao su của Việt Nam là Ấn Độ, tăng 8,7% về lượng và 35,2% về trị giá so với năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 3 là Hàn Quốc cũng giảm 15,5% về lượng nhưng tăng 5,1% về giá trị.

Các doanh nghiệp cũng mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga, Indonesia… Đặc biệt, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng cực mạnh, lên tới 433% so với năm 2023, đạt 38.442 tấn, kim ngạch tăng 516% đạt 56,2 triệu USD.

Hiệp hội cao su Việt Nam nhận định năm 2025, ngành cao su Việt Nam dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11 - 11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Ngành cao su Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển bền vững.

Ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam khẳng định, ngành cao su Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/san-vat-ty-do-cua-viet-nam-dat-ky-luc-hon-13-the-gioi-chot-don-trung-quoc-yeu-thich-nhat-chiem-72-a46363.html