Nhà ở xã hội: Chính sách ưu đãi có đủ sức hấp dẫn?

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của nhà ở xã hội, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và cả người dân. Việc rà soát, hoàn thiện các chính sách về nhà ở xã hội, tăng cường nguồn cung, đơn giản hóa thủ tục... là những giải pháp cần thiết để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam đang rất lớn, chúng ta đặt mục tiêu cung cấp 1,24 triệu căn trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện còn rất chậm. Đến nay, cả nước mới hoàn thành 57.652 căn, chỉ đạt 13,5% kế hoạch. Điều này cho thấy tình trạng thiếu hụt NƠXH đang là một vấn đề nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội: Chính sách ưu đãi có đủ sức hấp dẫn?- Ảnh 1.

Ảnh: Minh hoạ

 Theo bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, NƠXH luôn được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận NƠXH vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguồn cung NƠXH còn rất hạn chế, nhất là tại các đô thị lớn. Thêm vào đó, phần lớn các dự án này lại tập trung ở ngoại ô, xa trung tâm thành phố, gây bất tiện lớn cho người lao động. Tiêu chuẩn mua NƠXH cũng được cho là quá khắt khe. Quá trình xét duyệt hồ sơ còn nhiều rườm rà, phức tạp, đặc biệt là khâu xác minh thu nhập. Điều này khiến không ít người có nhu cầu thực sự bị loại. Thêm vào đó, tình trạng NƠXH bị chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại bởi các đối tượng không thuộc diện ưu tiên cũng xảy ra khá phổ biến, làm giảm cơ hội sở hữu nhà của những người thực sự cần. Bên cạnh đó, người dân cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mua NƠXH. Giá bán NƠXH thực tế cũng cao hơn so với mức thu nhập của đa số người dân.

Bà Miền cho biết, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia phát triển NƠXH, vừa để thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa tận dụng các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, việc triển khai dự án tại một số thị trường tiềm năng gặp phải nhiều khó khăn. Các quy định pháp lý phức tạp, thủ tục hành chính kéo dài, cùng với áp lực về giá bán và lợi nhuận khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước. Chi phí đầu vào, đặc biệt là giá đất tại các khu vực trung tâm tăng cao không ngừng đã gây áp lực lớn lên doanh nghiệp. Mặt khác, việc phát triển NƠXH tại các quỹ đất ngoại ô hoặc khu vực hạ tầng chưa hoàn thiện lại khó thu hút người mua do thiếu tiện ích và kết nối giao thông.

Chính sách mới mở ra cơ hội lớn

Theo các quy định mới, chính sách đầu tư phát triển NƠXH đã có nhiều điểm sáng đáng chú ý. Cụ thể: Chủ đầu tư được miễn các thủ tục liên quan đến xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Đồng thời, cũng không cần thực hiện thủ tục đề nghị miễn các loại phí này, trừ trường hợp dành tối đa 20% diện tích đất ở để xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ. Chủ đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; được phép dành tối đa 20% diện tích đất ở để đầu tư xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm tăng tính bền vững của dự án. Bên cạnh lợi nhuận tối đa 10% từ phần NƠXH, chủ đầu tư còn có thể thu thêm lợi nhuận từ phần diện tích dành cho các công trình thương mại, dịch vụ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc thúc đẩy triển khai Đề án 1.000.000 căn hộ xã hội không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc điều tiết thị trường bất động sản. Bằng cách tăng nguồn cung NƠXH với giá cả phù hợp, Đề án tạo điều kiện cho nhiều người dân hơn tiếp cận được với nhà ở. Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Đề án. Các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc, góp phần quan trọng vào thành công của Đề án.

Đến nay, đã có 133 dự án đang triển khai, quy mô khoảng 110.000 căn. Trong đó, 57.000 căn đã hoàn thành và bàn giao cho người dân. Đồng thời, hơn 400.000 căn nữa đang trong quá trình đầu tư và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

"Những thành tựu này cho thấy nỗ lực không ngừng trong việc cung cấp nhà ở cho người dân, góp phần ổn định thị trường bất động sản và hướng tới một môi trường phát triển bền vững. Việc đẩy mạnh xây dựng NƠXH không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp mà còn tạo ra nguồn cung mới, góp phần đa dạng hóa thị trường và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh", ông Sinh chia sẻ.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của NƠXH, theo bà Miền, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và cả người dân. Việc rà soát, hoàn thiện các chính sách về NƠXH, tăng cường nguồn cung, đơn giản hóa thủ tục... là những giải pháp cần thiết để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng tại các khu vực phát triển NƠXH là những giải pháp cần thiết.

Link nội dung: https://tiepthigiadinhvietnam.com/nha-o-xa-hoi-chinh-sach-uu-dai-co-du-suc-hap-dan-a46623.html